Phòng, chống dịch bệnh sau bão

Phòng, chống dịch bệnh sau bão

Sau mưa, bão, lũ lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Do đó, một trong những nhiệm vụ cần thực hiện ngay sau khi bão, lũ rút chính là công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phòng, chống dịch bệnh sau bão ảnh 1Nhân viên y tế cấp phát thuốc điều trị các bệnh ngoài da, truyền nhiễm cho người dân vùng ngập úng ở bản Giáng, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

 Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Thiên tai thường đi kèm với dịch bệnh vì khi bão, lũ xảy ra thì các điều kiện vệ sinh không đảm bảo, không có nước sạch, môi trường bị ô nhiễm... đó là các nguyên nhân khiến người dân dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa, các bệnh đau mắt đỏ, bệnh da liễu, sốt xuất huyết...

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sau bão, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
- Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
- Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Phòng, chống dịch bệnh sau bão ảnh 2

Một số bệnh thường gặp sau bão

- Sốt xuất huyết

Sau bão, các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát triển mạnh. Điển hình là bệnh sốt xuất huyết. Bệnh rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng sau bão, lũ chính là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó, bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra.

- Bệnh tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy thường gia tăng đáng kể sau mưa, bão do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn. Bệnh tiêu chảy cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh.

- Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao sau mưa, bão.

- Bệnh đường hô hấp

Những ngày mưa bão kéo dài rất dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị.

- Các bệnh về da

Sau mưa bão, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Một số bệnh ngoài da thường gặp sau mưa bão như:

+ Nước ăn chân: Do chân tay ngâm trong nước nhiều, luôn ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển. Bệnh hay gặp ở các kẽ ngón chân, gây ngứa nhiều và rát. Nếu không được điều trị, vết loét sâu và lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.

+ Ghẻ: Trong điều kiện vệ sinh kém, bệnh ghẻ cũng xuất hiện và lây truyền rất nhanh do tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ với người lành. Thương tổn là những mụn nước, rãnh ghẻ, hay gặp ở kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, nách, gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm trùng rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh.

+ Viêm nang lông: Do thiếu nước sạch trong sinh hoạt, vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, râu, lông mày... tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa.

+ Chốc lở: là một chứng bệnh da hay gặp khi điều kiện vệ sinh sau mưa bão kém. Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi dập vỡ, những nốt mụn này tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.

Phương Nam (tổng hợp)

TTXVN

Có thể bạn quan tâm