Đằng sau quyết định thoái lui
Ngày 14/3, ông Putin lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu rút phần lớn lực lượng khỏi Syria, vì các mục tiêu cơ bản đã hoàn thành và coi đây là bước tạo đà thúc đẩy đàm phán hòa bình ở Geneva. Trước đó, Điện Kremlin không cho thấy bất kỳ dấu hiệu gợi mở nào về quyết định này. Phương Tây một lần nữa lại được phen bất ngờ.
|
Thông báo của ông Putin khá ngắn gọn và dường như gây khó cho giới quan sát toàn cầu. Không có thêm một thông tin nào liên quan đến lộ trình, quy mô, tầm mức thoái lui quân sự cũng như thời điểm chấm dứt can thiệp quân sự của Moskva được đưa ra. Nó khiến truyền thông và giới phân tích lại phải phỏng đoán điều gì ẩn sau quyết định của ông chủ Điện Kremlin. Một số giả thuyết đã được đưa ra.
Một là, ông Putin đã nói đúng, nhiệm vụ đặt ra trong chiến dịch quân sự phần lớn đã hoàn thành. Khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đẩy lui, quân đội Syria từ chỗ thất bại liên tiếp trước phe đối lập và IS đã trụ vững, mở chiến dịch phản công, giành được nhiều chiến thắng quan trọng trên chiến trường. Những nỗ lực ngoại giao của Nga (cùng với Mỹ) đã đưa tới lệnh ngừng bắn được thực hiện trên quy mô toàn quốc, làm tiền đề để Damascus và phe đối lập đi tới bàn đàm phán tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng – mục tiêu nhất quán mà Moskva luôn tuyên bố kể từ khi không kích IS.
Nga không muốn lún sâu vào “bãi mìn” cũng có thể là một cách giải thích. Được sự trợ giúp của không quân Nga, các lực lượng trung thành với ông Assad đã giành lại được quyền kiểm soát đối với nhiều vùng đất. Thế nhưng một chiến thắng tuyệt đối về mặt quân sự để “thống nhất lãnh thổ” là điều dường như rất khó thành hiện thực. Rút dần lực lượng, nhưng vẫn duy trì bộ khung chiến tranh ở Syria (hệ thống tên lửa phòng không, các tổ hợp trinh sát, căn cứ không quân Hmeymim, quân cảng Tartus), đồng thời hướng lái các bên đi tới hòa đàm là cách “thoát” hợp lý, không để bị sa lầy, giảm chiến phí, nhưng không đánh mất ưu thế.
Một khả năng khác chính là việc đã có “thỏa thuận ngầm” Nga - Mỹ về giải quyết xung đột bằng biện pháp chính trị, ngoại giao. Quyết định rút lực lượng xuất hiện tại thời điểm đàm phán hòa bình chính thức được nối lại sau hơn 2 năm bế tắc. Rất có thể với bước đi này, Moskva muốn tạo sức ép lên chính quyền của ông Assad, buộc Damascus chú tâm nhiều hơn đến hòa đàm thực chất. Ở phía ngược lại, Mỹ cũng có bước đi tương tự đối với phe đối lập và thế lực hậu thuẫn bên ngoài tại khu vực như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ…
|
“Phong cách KGB” trong hành động của ông Putin
Mọi đánh giá cho đến lúc này cũng chỉ là dự đoán. Chỉ có một điều chắc chắn là ông Putin luôn khiến các đối thủ phải bất ngờ trong các quyết định của mình, từ sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga, cho tới việc Moskva tuyên bố can dự quân sự tại Syria hồi tháng 9/2015 và mới nhất là việc thoái lui dần ảnh hưởng quân sự tại quốc gia Trung Đông này. Tính chất quyết đoán, khó đoán định trong lời nói và hành động của ông chủ Điện Kremlin khiến các đối thủ luôn phải bận tâm và dè chừng.
Nhiều chuyên gia nhận định, “kín kẽ, bí mật” là đặc tính của nhà lãnh đạo nước Nga, khởi nguồn từ việc ông xuất thân là một sĩ quan, lãnh đạo tình báo từ thời Liên Xô. Trong các vấn đề đối ngoại then chốt, ông Putin chỉ tham vấn, bàn thảo với một số rất ít các cố vấn quân sự, an ninh. Ê kíp làm việc thân cận của ông được cho là chỉ gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Chánh văn phòng Điện Kremlin Sergei B. Ivanov và từng là người đứng đầu ngành an ninh; Alexander V. Bortnikov – Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang (FSB) Nikolai P. Patrushev - Thư ký Hội đồng An ninh, người trước đó cũng là lãnh đạo FSB.
Những con người xuất thân từ ngạch tình báo - an ninh này tin rằng, “kín kẽ, bất ngờ” là chìa khóa bảo đảm thành công của một chính quyền. Nó cho thấy một phong cách làm việc mới ở Điện Kremlin, khác hẳn với thói ồn ào, lộ liễu trong những năm 1990. Nữ chuyên gia khoa học chính trị Ekaterina Schulmann thuộc Viện Khoa học Xã hội Liên bang Nga nhìn nhận, một quyết định tốt trong chính sách đối ngoại ở Nga hiện nay cần hội tụ yếu tố bất ngờ, quyết đoán, khiến người khác khó đoán định.
Với các bước đi bất ngờ ở Syria trong vòng 6 tháng qua, ông Putin đã chứng tỏ được nhiều điều. Đó là việc Moskva luôn ở thế chủ động, do “mục đích chính là để chứng minh Nga hành động độc lập, tựa như việc ‘chúng tôi mở rộng hiện diện quân sự (ở Syria) không cần tham vấn trước với ai và thoái lui dần cũng chẳng cần phải thông báo cho ai” - nhà phân tích chính trị độc lập người Nga Alexander Morozov nhìn nhận. Sự chủ động của ông Putin khi đó cũng buộc đối phương phải cuốn theo, vì họ không thể hiểu hết điều gì thực sự nằm trong đầu nhà lãnh đạo nước Nga. Khi mà các đối tác phương Tây còn chưa cắt nghĩa được rốt ráo điều gì dẫn đến quyết định rút lực lượng khỏi Syria thì họ đã phải đối diện với các câu hỏi dạng như “Tại sao lại ở thời điểm này”? “Bước đi tiếp theo của ông Putin sẽ ra sao”…?
Báo Tin Tức