Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX phát biểu. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN |
Băn khoăn hiệu quả hoạt động của hợp tác xã tín dụng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động của các hợp tác xã ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển, bước đầu khẳng định được chuyển biến cả về chất lượng, hiệu quả, đã có những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển phong trào hợp tác xã toàn quốc. Số lượng hợp tác xã tiếp tục tăng lên với nhiều hợp tác xã được thành lập mới, trong đó có khoảng 50% số hợp tác xã trên cả nước hoạt động có hiệu quả (con số này năm 2012 là 10%). Theo báo cáo của các địa phương: Năm 2018, cả nước có 21.787 hợp tác xã, 72 liên hiệp hợp tác xã và 106.475 tổ hợp tác; trong đó có trên 1.700 hợp tác xã thành lập mới, số hợp tác xã giải thể là 822. Tổng số thành viên hợp tác xã là gần 6,6 triệu người. Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2018 ước gần 2,1 triệu người. Bình quân, doanh thu bình quân của một hợp tác xã năm 2018 đạt trên 4,05 tỷ đồng/năm, lãi 277 triệu đồng/năm, thu nhập của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 39,54 triệu đồng/người. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo trong năm 2018 là khả quan, song, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước băn khoăn về mô hình quỹ tín dụng nhân dân, hợp tác xã tín dụng. Ở góc độ ngân hàng, nhiều năm nay, hoạt động tín dụng cho lĩnh vực này không nâng lên được, mặc dù đã đổi mới cơ chế chính sách rất nhiều, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận nguồn vốn này, ông Đào Minh Tú nói. Theo ông, loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã có sản xuất kinh doanh không thể thừa vốn, nhưng dư nợ cho khu vực này nhiều năm nay vẫn dừng ở mức 5.000 tỷ đồng, trong khi những nguồn lực hỗ trợ khác không nhiều. Không biết hoạt động kinh doanh của loại hình kinh tế tập thể này phát triển ở góc độ nào? Ông Đào Minh Tú đặt vấn đề và đề xuất việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW phải đi sâu vào đánh giá hiệu quả của mô hình này. Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mô hình quỹ tín dụng nhân dân ra đời 30 năm nhưng nhìn lại “có nhiều vấn đề phải giật mình với mô hình này, kể cả vai trò và tính chất hoạt động. Bản thân nó không xấu, nó có thể đem lại hiệu quả rất cao nhiều mặt, nhưng không biết chừng cũng để lại hệ lụy không phải là ít”. Cần phải nhìn vào thực tế và sự phát triển của nền kinh tế để đánh giá tính khách quan của nó. Có những tổ chức tín dụng ra đời đã 20 – 30 năm chứ không phải "èo uột", không đủ vốn. Có khoảng 1.200 hợp tác xã quỹ tín dụng, tài sản và vốn điều lệ của các hợp tác xã này rất lớn. Còn Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, hợp tác xã tín dụng có 4 điểm tốt, đó là quy chế làm việc chặt chẽ, cán bộ được đào tạo bài bản, có sự liên kết giữa ngân hàng và tổ hợp tác bài bản, có sự kiểm tra chặt chẽ. “Với 4 tốt mà vẫn có rủi ro và lo ngại, từ góc độ đó nhìn lại hợp tác xã nông nghiệp thấy lỏng lẻo hơn nhiều. Bên cạnh hoàn thiện hoạt động của hợp tác xã tín dụng thì hợp tác xã phi tín dụng cũng có thể học được nhiều điều. Muốn hợp tác xã tốt phải có quy chế chặt chẽ, đào tạo cán bộ và có kiểm tra”, ông nói.Định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho hợp tác xã Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2018, Ban Chỉ đạo đã triển khai tích cực các hoạt động, nổi bật là trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về hợp tác xã và đăng ký trực tuyến theo hướng lồng ghép với hệ thống cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có sự liên thông giữa thủ tục đăng ký hợp tác xã và đăng ký thuế để thống nhất, minh bạch quy trình đăng ký hợp tác xã; hướng dẫn định mức và thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp để đơn giản hóa thủ tục và phân cấp mạnh hơn. Ngoài ra, Bộ cũng đang triển khai xây dựng đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025”; xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến năm 2030 để có định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho hợp tác xã. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn xử lý tài sản không chia hình thành tư nhiều nguồn vốn khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản, chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác; Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đã hình thành một số hợp tác xã khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng giải quyết giải thể hợp tác xã cũ, tạo điều kiện và quỹ đất cho hợp tác xã mới ra đời; một số hợp tác xã có quy mô lớn, quản trị hiện đại (như Saigon CO.OP có 28 thành viên, 102 siêu thị). Chỉ ra một số hạn chế của Ban Chỉ đạo trong thời gian qua, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo tập trung tuyên truyền, quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg; kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công, phân nhiệm rõ ràng, đầy đủ hơn; tiếp tục triển khai hoàn thiện các khung khổ thể chế pháp lý, đặc biệt là đánh giá cơ chế hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020 theo Quyết định 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng để thực hiện tốt nhất quyết định này và chuẩn bị khung khổ cho giai đoạn sau. Có hình thức huy động, bố trí kinh phí cho Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp và 2.400 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Cho rằng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị được các địa phương đặt nhiều kỳ vọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đẩy nhanh việc thực hiện các mô hình này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã, điều tra để có thông tin số liệu chính xác làm dữ liệu cho công tác điều hành và cho tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; đồng thời, sớm sửa đổi, ban hành quy định mới về chế độ thông tin báo cáo đánh giá các loại hợp tác xã. Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ sớm ban hành cơ chế, chính sách cụ thể về xúc tiến thương mại và công nghệ của hợp tác xã phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã. Các địa phương tăng cường củng cố kiện toàn nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, sớm hình thành quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) có hình thức chỉ đạo MTTQ các cấp tăng cường giám sát tình hình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các hợp tác xã trên địa bàn, có hình thức phù hợp hỗ trợ các địa phương trong huy động nguồn lực, hợp tác quốc tế và với đồng bào trong và ngoài nước.
Chu Thanh Vân