Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các lỗi trong biên soạn, thẩm định sách giáo khoa cần tiếp thu cầu thị, khoa học

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các lỗi trong biên soạn, thẩm định sách giáo khoa cần tiếp thu cầu thị, khoa học

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 4/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội. Nhiều đại biểu nêu ý kiến về bất cập trong công tác biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và một số nội dung trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giải trình những nội dung đại biểu đặt ra.

Trước đó, tại phiên thảo luận chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã giải trình nhiều nội dung về vấn đề này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các lỗi trong biên soạn, thẩm định sách giáo khoa cần tiếp thu cầu thị, khoa học ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Làm rõ bất cập trong sách giáo khoa lớp Một

Đánh giá về công tác xây dựng xã hội học tập, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) nhận định, thành tích nổi bật của ngành giáo dục là đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020.

"Ngành giáo dục cũng đã sáng tạo, linh hoạt trong dạy và học trực tuyến, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Đồng thời, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (năm 2020 )thành công, đảm bảo gọn nhẹ, an toàn, hiệu quả, giảm áp lực cho học sinh, sinh viên, giảm tốn kém cho gia đình", đại biểu Quách Thế Tản nhận xét.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương; một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo. Cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, xuống cấp, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức, chưa có giải pháp hữu hiệu. Việc đào tạo nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Một hạn chế rất đáng quan tâm được đại biểu nêu ra là việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đại biểu kiến nghị cần quan tâm đến chất lượng thẩm định sách giáo khoa; trước mắt có các giải pháp phù hợp để khắc phục những nội dung còn khiếm khuyết của sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp Một. Cùng với đó, ngành giáo dục và các địa phương cần rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, nhất là việc sắp xếp, sáp nhập các điểm trường lẻ, các trường tiểu học, trung học cơ sở, do thực tế vừa qua, một số địa phương sáp nhập các điểm trường một cách cơ học, hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, cần tăng cường biện pháp giáo dục lao động đối với học sinh ở các bậc học và tùy theo lứa tuổi, vì đây là một trong những nguyên tắc giáo dục rất cơ bản để hình thành nhân cách cho người học.

Đại biểu cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế 10% chưa phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu kỹ vấn đề này và báo cáo Chính phủ để có định hướng phù hợp.

Nêu ý kiến cụ thể về những bất cập trong nội dung các bộ sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp Một của nhóm Cánh Diều, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, không phải tự nhiên mà phần lớn xã hội bức xúc khi nhắc đến bộ sách giáo khoa lớp Một trong thời gian gần đây.

Theo đại biểu, năm đầu tiên áp dụng một chương trình nhiều bộ sách theo hình thức xã hội hóa, trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học chưa thể đạt yêu cầu cao hơn, chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam học tập, tham khảo rất nhiều nước và áp dụng mỗi nơi một ít vào chương trình giáo dục đổi mới. Vì vậy, sách giáo khoa khi biên soạn cũng bị "gọt đẽo" theo một hệ thống chưa hoàn thiện.

"Muốn biên soạn bộ sách hoàn chỉnh thì trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn, nhưng chúng ta lại làm theo kiểu cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ có thể phá vỡ chỗ kia. Không riêng gì một cuốn sách mà cả 5 bộ sách đều bị các lỗi về biên soạn, về bản quyền, về ngữ liệu,...

Điều này càng bộc lộ rõ hơn khi quy trình thẩm định phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng,... Những điều này không thể hài lòng dư luận - đại biểu đánh giá.

Với những phân tích nêu trên, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan có trách nhiệm trong việc bày tỏ thái độ, quan điểm đúng đắn; đứng về phía quyền lợi của người học, nhất là trẻ em; đảm bảo các quyền của trẻ em thông qua giảng dạy văn hóa, được bảo vệ và thực thi nghiêm túc; dành sự quan tâm trước hết cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Cùng với đó, có thể cân nhắc lùi thời gian để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt; làm rõ trách nhiệm của các bên.

Các lỗi, sai sót cần được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học

Giải trình về các ý kiến của đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ông đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về sách giáo khoa từ các nhà khoa học giáo dục, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, giáo viên, người dân bình thường, với tư cách là ông bà, cha mẹ của các cháu học lớp 1. Theo Phó Thủ tướng, kỳ họp Quốc hội nào cũng có một chủ đề liên quan đến giáo dục được cử tri và các đại biểu quan tâm, lần này là sách giáo khoa.

Luật Giáo dục sửa đổi đã quy định rõ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa và các khâu hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập Hội đồng và quy trình thẩm định, phê duyệt sách... Việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ, nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm. Trong các phiên họp gần đây, Chính phủ đều thảo luận về vấn đề sách giáo khoa.

"Có thể nói, cuốn tiếng Việt của nhóm Cánh diều đã được Bộ thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn", Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cho rằng, lỗi này cần phải được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học. Báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhìn nhận có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ; trong đó trách nhiệm theo luật định thuộc về Bộ trưởng. Bộ đã có các bước chỉ đạo khá cương quyết, điển hình là thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Theo Phó Thủ tướng, những sai sót đó có thể tránh được và Bộ phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, nghiêm khắc, để trong quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, có rất nhiều việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không thông tin kịp thời, không có sự trao đi đổi lại một cách cần thiết. Trước đây, ngành Giáo dục và đào tạo duy trì một chương trình một bộ sách giáo khoa. Chương trình và sách giáo khoa này gần như không phân biệt và coi như bắt buộc. Nay, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa để phát huy sáng tạo, không độc quyền. Tuy nhiên, dù một bộ sách hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải bằng hoặc tốt hơn trước. Việc đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ không thể hoàn thành được nếu không có sự đóng góp của đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục và đặc biệt là toàn thể nhân dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải tận dụng công nghệ thông tin, công khai các bản thảo sách giáo khoa trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để lấy ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo viên và người dân. Những ý kiến đúng sẽ được tiếp thu chắt lọc, ý kiến chưa đúng cần có giải thích để tạo được sự đồng thuận. Nếu ngành giáo dục và đào tạo được quan tâm như hiện nay thì Việt Nam sẽ đổi mới giáo dục thành công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm