"Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông" là tọa đàm do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 29/10 tại Hà Nội.
Tọa đàm nhằm nhìn lại 6 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, từ đó có những đánh giá toàn diện, tổng quan về quá trình chuẩn bị, thực hiện; những bài học cần rút ra và kế hoạch những năm tiếp theo để Nghị quyết đi vào cuộc sống hiệu quả và thiết thực. Tọa đàm gồm 3 phần: Quá trình xây dựng và bước đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, công tác bồi dưỡng giáo viên; công tác thẩm định, phê duyệt và hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa; một số vấn đề tồn tại và hướng khắc phục, triển khai tiếp Nghị quyết số 88.
Tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho biết, năm 2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để thể chế hóa Nghị quyết số 29 của Đảng, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
"Nghị quyết số 88 được coi là văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa Nghị quyết số 29 để Việt Nam thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện toàn bộ hệ thống giáo dục. Nghị quyết số 88 đã đặt ra mục tiêu rất rõ là chuyển đổi cơ bản phương thức từ dạy kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh, từ dạy chữ sang dạy người. Mục tiêu là để phát triển học sinh toàn diện cả đức-trí-thể-mỹ", ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức đây là một nhiệm vụ quan trọng. Nghị quyết số 88 có nhiều đổi mới, trong đó đặc biệt là việc thực hiện đổi mới thống nhất cả nước dùng một chương trình và mỗi một môn học thì có một số sách giáo khoa. "Sách giáo khoa trước đây là duy nhất, là 'pháp lệnh' yêu cầu các nhà trường phải triển khai. Còn bây giờ có nhiều bộ sách giáo khoa để thực hiện một chương trình. Như vậy, cách tiếp cận cũng rất khác so với trước đây", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết từ khi có Nghị quyết số 29 và Nghị quyết số 88, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Bộ cũng đã ban hành hai văn bản về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách đánh giá với bốn hướng đổi mới gồm việc xây dựng nhà trường, phương pháp giảng dạy, cách đánh giá đến công tác quản lý nhà trường theo hướng từ quản lý sang quản trị để giúp nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo đảm bảo chất lượng hướng tới quản lý chất lượng đầu ra.
Chia sẻ về việc chỉ đạo biên soạn chương trình dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập ban biên soạn xây dựng chương trình với những nhà khoa học uy tín, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho hay: Liên quan đến những phản hồi của dư luận về chương trình và một số nội dung sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, tới đây, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tiếp tục chỉ đạo sát sao việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện ba điều chỉnh quan trọng trong công tác thẩm định sách giáo khoa, gồm: Kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm sách giáo khoa; tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa trước khi nhà xuất bản gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để thẩm định; mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu sách giáo khoa, có thể bằng cách đăng mạng bản pdf bản mẫu sách giáo khoa để xin ý kiến góp ý, nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân.
Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Việt Đức