Phố cổ thành Nam

Phố cổ thành Nam
Thành phố Nam Định chủ yếu nằm ở phía Bắc sông Đào, Theo sách ghi lại, thành phố Nam Định là một đô thị có từ thế kỷ thứ XIII. Ngày 17 tháng 10 năm 1921, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định. Trong quá trình phát triển, thành phố từng là đô thị lớn thứ 3 miền Bắc sau Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
 
Phố cổ Thành Nam hay phố cổ Nam Định là khu vực gồm các phố xá buôn bán nằm giữa sông Vị Hoàng xưa và hai mặt tường thành phía Đông và phía Nam của thành Nam Định thời Nguyễn. 

Thành phố Nam Định xưa thuộc huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, lộ Thiên Trường, có làng Tức Mặc - quê hương của nhà Trần, có sông Vị Hoàng và quân doanh Vị Hoàng bảo vệ cho hành cung Thiên Trường. Năm 1262, nhà Trần lập thành Nam Định, biến nơi đây trở thành trung tâm đô thị lớn thứ hai của cả nước, chỉ sau Thăng Long. Năm 1400, nhà Trần suy vong, phủ Thiên Trường mất vị trí vương đô. Đến thời Hậu Lê, lộ Thiên Trường được đổi thành Sơn Nam thừa tuyên, trị sở hành chính chuyển vào Vân Sàng (tỉnh Ninh Bình). Đời Nguyễn, cùng với việc dời trị sở trấn Sơn Nam về Vị Hoàng, Vua Gia Long còn cho đắp toà thành bằng đất trên địa hạt làng Vị Hoàng và Năng Tĩnh. Dưới thời Minh Mạng, tường đất được thay thế bằng tường gạch cao 5m, chu vi 3,5km, có hào sâu bao bọc, trong thành có cột cờ dựng năm 1842. Năm 1889 một chủ đầu tư người Pháp đã đến đây xây dựng nhà máy Sợi, các chủ đầu tư khác tiếp tục cho dựng nhiều nhà máy: nhà máy Tơ, nhà máy Điện, nhà máy Nước, nhà máy Chai, nhà máy Rượu... Lĩnh vực chính thuộc về dệt và sản phẩm dệt may, đã nổi tiếng trên thế giới, đưa thành phố Nam Định trở thành “Thành phố Dệt”. Thời kỳ 1965-1975 là tỉnh lỵ tỉnh Nam Hà; 1975-1991 là tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam Ninh; 1991-1996 trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Nam Hà và từ 6-11-1996, là tỉnh lỵ tỉnh Nam Định. Ngày 24 - 9-1998, thành phố Nam Định được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 183/1998/QĐ-TTg công nhận thành phố là đô thị loại II, sau chặng đường 12 năm phát triển, ngày 28-11-2011 thành phố được nâng cấp lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh theo Quyết định số 2106/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ đồng thời được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
 
Những ngồi nhà nhỏ ở phố cổ Thành Nam.
Những ngồi nhà nhỏ ở phố cổ Thành Nam. 

Thành phố Nam Định có 35/38 phố Hàng, 4 phố Bến, 4 phố Cửa trong các phố trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Về các phố cổ xưa dân phố buôn bán, sản xuất mặt hàng gì thì phố mang tên mặt hàng đó. Trên đường phố dài có thể có nhiều phố Hàng.

Ở phía Đông trên bờ sông Vị, dân thôn Thi Thượng làng Vị Hoàng lập ra dãy phố ở ven sông cho người buôn bè: luồng, nứa, tre, đan cót, bồ, sọt, thúng… đặt thành phố Hàng Cót, rồi Hàng Nâu (củ nâu nhuộm vải). Người Bát Tràng ở Gia Lâm đưa hàng xuống bán thì lập Hàng Bát, các phố tiếp theo là Hàng Mâm (mâm gỗ, chòng tre), Hàng Song (song, mây, lá gồi), cuối thế kỷ 19 các phố này có tên chung là phố Vinh Thuận, sau khi Pháp chiếm thành đặt là Protectorat (nay là phố Minh Khai). Tiếp đến Hàng Sắt Trên, Pháp gọi là Rue du Fer, còn phố Hàng Sắt Dưới (phố Đỗ Xá), đặt là Poterie. Phố này đa phần là người Hoa chạy giặc đến sinh sống từ thời Lê (họ lập thành làng Minh Hương). Đoạn cuối sông Vị Hoàng xưa là bến thuyền của vua nhà Trần thì được gọi là phố Bến Ngự, Pháp đặt là Avenue Piqueaux de Bechaine, sau khi lấp sông Vị Hoàng lập ra kho hàng Hòn Gai thì gọi là phố Hòn Gai (nay là phố Bến Ngự).

Nhu cầu hàng hoá của thị dân và cả vùng hạ lưu sông Hồng ngày càng nhiều nên có nhiều phường thợ thủ công từ các nơi di đến, sản xuất ra nhiều mặt hàng phục vụ cho đời sống. Chợ là nơi tiêu thụ tập trung nhiều hàng hoá, chợ ven sông là chợ Vị Hoàng, chợ Đò Chè, rồi chợ Cửa Trường. Chợ to, đông vui nhất là chợ Rồng, vì thế trên những con đường từ bờ sông vào chợ đã thành nơi sinh sống và sản xuất của các gia đình làm nghề thủ công. Từ chợ Rồng ra bờ sông Vị Hoàng là các phố Hàng Nón, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Tiện (nay là Hàng Tiện), rồi đến Hàng Cấp (dệt các loại vải), Pháp đặt tên đường phố này là Henri Rivière. Ra bờ sông Vị Hoàng còn một đường phố gồm: Hàng Đường và Hàng Đồng hai phố này Pháp dịch là Rue du Cuivre nay là Hàng Đồng. Chợ Rồng lên phía Bắc có phố Hàng Mắm, Hàng Gà, về sau hai phố này gọi là phố Móng Cáy (nay là Lý Thường Kiệt). Từ bờ sông vào chân tường thành có một dãy phố chạy song song với Hàng Đồng gồm: Hàng Thùng, Hàng Giấy, Hàng Mành, Hàng Cầm (nay là Bắc Ninh). Về phía Nam thành phố, trên bờ sông có các phố bến thuyền như: Bến Củi, Pháp đặt là Rue Champeaux (nay là Ngô Quyền), Bến Gỗ, Pháp đặt là Rue Etat-Unis (nay là Phan Chu Trinh), phố Bến Thóc, Pháp đặt Hacrnamd. Lùi vào phía trong là phố Hàng Nồi, Pháp đặt là Rue de Paris (nay là Nguyễn Thiện Thuật). Song song với bờ sông Đào là phố Hàng Sũ, Hàng Ghế Pháp đặt là Cerculis, (nay là phố Phan Đình Phùng) và phố Hàng Thao Pháp đặt là Đồng Khánh (nay là phố Hàng Thao).
 
Một ngôi nhà trên phố cổ thành Nam.
Một ngôi nhà trên phố cổ thành Nam.

Từ trong thành đi ra sông Vị Hoàng là phố Cửa Đông, Pháp đặt là Rue de Carreau (nay là đoạn đầu từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến gốc đa Hàng Sắt phố Lê Hồng Phong). Từ Cửa Nam ra sông Đào gọi là phố Cửa Nam, Pháp đặt là Richaud (nay là đường Tô Hiệu), cổng phía Bắc thành có phố Cửa Bắc (nay là Thành Chung). Thành Nam có cửa Tây, nhưng không có phố Cửa Tây do ở phía này không có sông để vận chuyển hàng hoá (thời ấy giao thông đường thủy là chủ yếu). Về sau, phía Tây thành cũng không phát triển bởi tư bản Pháp đã chiếm vùng đất phía Tây (Năng Tĩnh) để xây nhà máy Sợi.

Con đường nối các phố với nhau chạy theo hướng Bắc Nam từ chợ Rồng xuống sông Đào gồm: Hàng Màn (Vải Màn), Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn, Pháp đặt là Rue France (nay thuộc Hai Bà Trưng) và Hàng Cau đặt là Jules Ferry. Song song với dãy phố này còn một dãy phố nữa gồm: Hàng Mã, Hàng Mũ (năm 1921 Pháp đặt là phố Hà Nội), tiếp đến Hàng Giấy, Phố Khách, Hàng Lọng, Hàng Dầu, Pháp đặt tên cho các phố này là Maréschal Foch (nay thuộc phố Hoàng Văn Thụ).

Các phường buôn, phường nghề ở với nhau trong cùng một dãy lập đền thờ tổ nghề, hay đình thờ thành hoàng bản quán (quê gốc), đây còn là nơi hội họp của phường hội. Phần lớn đền thờ tổ nghề nằm trong phố nghề. Các phố như: Hàng Bát, Hàng Tiện, Hàng Quỳ, Hàng Thiếc, Hàng Giấy, Hàng Đồng, Hàng Giầy, Hàng Nồi… đều có đền của phố nghề (phường nghề). Nhưng cũng có những đền như đền Hàng Bạc, đền Hàng Thêu, thực ra lại không có phố Hàng Bạc, Hàng Thêu riêng, bởi người làm nghề kim hoàn, buôn bán vàng bạc ở chung trong phố Hàng Rượu nên đền Hàng Bạc dựng ở phố Hàng Rượu. Người làm nghề thêu tập trung ở đoạn đầu phố Hàng Thiếc và Cửa Đông nên đền Hàng Thêu được những người thợ thêu chung sức mua đất tại phố Cửa Đông dựng nên.
 
Nhà thờ ở thành phố Nam Định. Ảnh:internet
Nhà thờ ở thành phố Nam Định. Ảnh:internet
Đáng tiếc, hiện nay, những con phố đa phần không còn giữ lại được tên cổ như ở Hà Nội và cũng không còn bán các mặt hàng truyền thống nhưng cũng may mắn rằng nó vẫn còn phảng phất dáng vẻ cổ kính và vẫn là những trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất. Hoa gạo rực trời tháng ba dọc đường Văn Miếu, ngã tư Cửa Đông, hồ Vị Xuyên được coi là loài cây tượng trưng cho sự hiên ngang, ý chí quật cường của người dân thành phố anh hùng. Cầu Đò Quan thay cho bến Đò Quan xưa, nối đôi bờ sông Đào mở ra triển vọng về một thành phố khang trang, rộng lớn hai bên sông. Duy chỉ còn một vài con phố còn mang tên cổ như: Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Thao, Hàng Đồng, Hàng Sắt, ... còn lại phần lớn đã được đổi tên chính vì thế cho đến nay rất ai biết rằng: xưa phố cổ Thành Nam cũng đẹp và sầm uất không kém Hà Nội 36 phố phường, hay phố cổ Hội An sầm uất hấp dẫn du khách cho tới hôm nay… 
Theo Thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm