Chiều 22/4, tại đình Kim Ngân (số 42 - 44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phố nghề Hà Nội.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là triển lãm “Đào Xá - Giữ hồn thanh âm Việt”, giới thiệu một số sản phẩm nhạc cụ truyền thống làng nghề Đào Xá, huyện Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội. Là làng nghề có tuổi đời trên 200 năm, từ giữa thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của làng Đào Xá đã mang theo cả gia đình, họ hàng lên thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) để lập phường nghề, mở ra con phố Hàng Đàn trong 36 phố phường Hà Nội xưa. Bằng sự cần cù và tài năng khéo léo, những thợ làm đàn ở Đào Xá đã làm ra những sản phẩm nhạc cụ tinh xảo, góp phần làm cho các phường nghề, phố nghề thủ công thêm sầm uất, cũng như trở thành một phần di sản không thể tách rời với “Hà Nội 36 phố phường”.
Đã có một thời nổi tiếng với nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống nhưng giờ đây làng nghề làm đàn Đào Xá đang đứng trước nguy cơ mai một. Năm 2020, làng nghề có 5 hộ duy trì làm nghề truyền thống, tới nay chỉ còn gia đình Nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn còn lưu giữ nghề. Anh Đào Văn Tuấn, con trai nghệ nhân Đào Văn Soạn cho biết: Gia đình anh vẫn đau đáu nỗi lòng bảo vệ và phát huy nghề truyền thống, bởi nó không chỉ đơn thuần là một nghề mà còn là nét văn hóa đặc trưng lâu đời của quê hương.
Bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, các làng nghề thủ công miền đồng bằng Bắc Bộ gắn liền với khu Phố cổ Hà Nội, biểu hiện qua những làng nghề, phố nghề, những sản phẩm độc đáo, tinh xảo. Thăng Long – Hà Nội là nơi hội tụ trảm nghề làm nên 36 phố phường, với những phố “Hàng” đất Kinh kỳ. Khu Phố cổ Hà Nội chính là khu 36 phố phường xưa, nơi tập trung nhiều phố nghề với những ngôi đình thờ tổ nghề còn tồn tại đến ngày nay, cũng chính là nét đặc trưng của Phố cổ Hà Nội. Trong đó, làng Đào Xá cũng góp mặt cho Hà thành một nghề đặc biệt – nghề làm đàn.
Tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50, Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm) diễn ra triển lãm ảnh tư liệu chủ đề “Nhạc công và âm nhạc cổ truyền Việt Nam”, giới thiệu 60 bức ảnh chụp tại Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX (khoảng những năm 1870 - 1899), được sưu tầm và phục chế kỹ thuật số từ nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước.
Cũng trong thời gian này, nhiều điểm đến di sản, giao lưu văn hóa phố cổ đồng loạt khởi động chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn.
Tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2, Lê Thái Tổ, Hàng Trống) trưng bày và giới thiệu tranh cổ động chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4; Ngày quốc tế Lao động 1/5 và 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (Hội quán Quảng Đông), số 22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm có trưng bày tư liệu và hiện vật “Ký ức 22 Hàng Buồm” và “Ký ức sông Tô”, giới thiệu về một trong những con phố tiêu biểu nhất của thành phố nằm bên sông, nơi chuyên bán những vật tư liên quan đến thuyền bè.
Tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội (Đền Quan Đế, số 28 phố Hàng Buồm), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch của tỉnh Phú Yên giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội và Phú Yên đến với du khách Thủ đô và cả nước; không gian quảng bá nghề đan lát truyền thống Vinh Ba của Phú Yên.
Tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có triển lãm ảnh chủ đề “Việt Nam – Một dải yêu thương” và nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian và đương đại.
Đinh Thuận