Phê duyệt quy hoạch Khu Du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng

Phê duyệt quy hoạch Khu Du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng
Theo đó, Khu Du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng thuộc địa phận thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) và Phường 7 (thành phố Đà Lạt), tỉnh Lâm Đồng; có diện tích khoảng 4.000 ha, trong đó các khu vực tập trung phát triển du lịch, hình thành các phân khu chức năng chính có rộng khoảng 760 ha.
 
Thảo nguyên cỏ hồng bên hồ Đankia - Suối Vàng. Ảnh: thanhnien.vn
Thảo nguyên cỏ hồng bên hồ Đankia - Suối Vàng. Ảnh: thanhnien.vn

Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2030, Khu Du lịch Đankia - Suối Vàng trở thành Khu Du lịch quốc gia, là một trung tâm du lịch của vùng Tây Nguyên và cả nước với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hình thành được thương hiệu và sản phẩm du lịch đặc trưng, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn kết chặt chẽ với Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt và các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh, trở thành điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan du lịch vùng Tây Nguyên.

Mục tiêu cụ thể về khách du lịch: Đến năm 2025 đón khoảng 3,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 56 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 5,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 100 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành): Đến năm 2025 đạt trên 1.200 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 3.500 tỷ đồng.

Phấn đấu tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 3.700 lao động vào năm 2025 và khoảng 7.000 lao động vào năm 2030. Sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Sản phẩm du lịch văn hóa (phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, nhất là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để phát triển thành các sản phẩm du lịch tham quan buôn làng, du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá, du lịch cộng đồng).

Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng (khai thác các đặc thù về điều kiện khí hậu, cảnh quan để phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng ven hồ, nghỉ dưỡng gắn với thể thao golf, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp). Sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí (thúc đẩy phát triển các hoạt động thể thao trên mặt nước như bơi, chèo thuyền kayak; thể thao ngoài trời như đua xe địa hình, việt dã, golf).

Giải pháp thực hiện Quy hoạch

Quyết định cũng nêu rõ về các giải pháp thực hiện Quy hoạch. Về cơ chế chính sách, sẽ nghiên cứu và đề xuất các chính sách ưu tiên phát triển du lịch tại Khu Du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng; trong đó có cơ chế chính sách, ưu đãi tốt nhất về thủ tục, về giải phóng mặt bằng... thích hợp, ổn định, lâu dài để thu hút được các nhà đầu tư có năng lực. Có cơ chế hỗ trợ người dân địa phương trong chuyển đổi nghề nghiệp liên quan tới công tác đào tạo nghề du lịch; hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú tại nhà dân đạt chuẩn.

Giải pháp về đầu tư và thu hút vốn đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về quy hoạch, đất đai, chính sách ưu đãi… với hình thức hội thảo kêu gọi đầu tư, các chuyến dã ngoại, nghiên cứu thực địa… tại Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng. Cam kết và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông về những ưu đãi và các thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Khu Du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng.

Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: phối hợp với các trung tâm đào tạo trong tỉnh tăng cường quy mô, ngành nghề đào tạo và các chương trình hợp tác phù hợp với nhu cầu nhân lực và định hướng phát triển của Khu Du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương, nhất là người dân tộc thiểu số.
TTXVN
TTXVN

Có thể bạn quan tâm