Ngày 22/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang và Ban Tổ chức sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 tổ chức Hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất trái cây” nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy sản xuất trái cây, hướng tới nền nông nghiệp hiệu quả bền vững.
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp liên quan khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nông dân các vùng chuyên canh cây ăn quả tại địa phương.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 1,18 triệu ha vườn trồng cây ăn quả các loại với những trái cây chủ lực như xoài, thanh long, bưởi, vải, sầu riêng…; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 400.000 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích cây ăn quả cả nước với sản lượng hàng năm 4,3 triệu tấn và giá trị sản xuất đạt 48.651 tỷ đồng/ năm.
Qua đánh giá, trái cây là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, việc áp dụng các máy móc, thiết bị, công nghệ vào sản xuất, thu hoạch trái cây hết sức quan trọng nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Theo ghi nhận của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong sản xuất trái cây thì cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 90%, khâu chăm sóc đạt từ 70 - 80%, khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch chỉ khoảng 20%.
Khó khăn, thách thức hiện nay trên lĩnh vực này là khâu thu hoạch, bao trái cây, xới đất bón phân vẫn chủ yếu làm thủ công; cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch trái cây vẫn còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng đảm bảo máy móc, thiết bị hoạt động; một số khâu sản xuất trái cây chưa có máy móc phù hợp hoạt động hiệu quả…
Từ thực tiễn trên, lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất căn cứ Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 và tình hình thực tế địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh cần tham mưu xây dựng Đề án phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất, thu hoạch trái cây có sản lượng lớn tại địa phương.
Song song đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung nhằm áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất cũng như đẩy mạnh xã hội hóa nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nói chung, chế biến, bảo quản nông sản nói riêng…
TS. Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng một số giải pháp công nghệ, kỹ thuật cần được tích hợp trong cơ giới hóa sản xuất trái cây bao gồm giải pháp về cây giống chất lượng, giải pháp về quy hoạch thiết kế vườn chuyên canh, giải pháp kỹ thuật thâm canh theo khoa học trong sản xuất trái cây.
Ông Võ Hữu Thoại kiến nghị để áp dụng công nghệ đồng bộ, hiệu quả trong sản xuất trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung, nhằm phát triển thành vùng chuyên canh thuận lợi trong việc cơ giới hóa, nghiên cứu lựa chọn, bảo trì và vận hành những trang thiết bị, máy móc phù hợp quy mô từng vườn cây ăn quả; thâm canh theo tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại và đồng bộ để nâng cao công suất bảo quản, chế biến trái cây gắn với xúc tiến thương mại, giải quyết đầu ra nông sản hàng hóa.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam góp ý nhằm tháo gỡ điểm “nghẽn” trong cơ giới hóa sản xuất trái cây, các địa phương và ngành hữu quan cần tập trung nguồn lực thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung.
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất trái cây cũng cần gắn với chuyển đổi số và tự động hóa, ưu tiên nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ tin học trực tiếp phục vụ “nông nghiệp 4.0”.
Ngoài ra, các địa phương và ngành hữu quan quan tâm hơn nữa việc xây dựng nguồn nhân lực cho nông nghiệp hiện đại, bao gồm cả người sản xuất nông nghiệp, sử dụng máy móc, quản lý, tổ chức sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo máy, dịch vụ…
Trao đổi tại hội thảo, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, ban tổ chức đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tại hội thảo. Ông Thịnh cho rằng, để đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất trái cây không chỉ đơn thuần là giải pháp công nghệ mà còn liên quan đến thể chế, chính sách về phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp nói chung.
Hiện tại, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chính sách, chủ trương phù hợp như: Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, Nghị định về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; trong đó có rất nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý để đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất trái cây…
Vấn đề là cần tiếp tục quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến, cung ứng máy móc, thiết bị phù hợp phục vụ cơ giới hóa sản xuất trái cây trên cơ sở hợp tác phát triển bền vững với sự vào cuộc của nhà nước, các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp, tổ chức và nông dân vùng chuyên canh.
Theo ông Lê Đức Thịnh, các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được ban tổ chức ghi nhận, tổng hợp để tham mưu cùng các bộ, ngành Trung ương trong nỗ lực tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa sản xuất trái cây, giải phóng sức lao động, nâng chất lượng nông sản hàng hóa tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất trái cây, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận, ổn định cuộc sống trong giai đoạn mới.
Minh Trí