Phát triển kinh tế nông thôn vùng Tây Nam bộ

Phát triển kinh tế nông thôn vùng Tây Nam bộ
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Hội thảo nhằm đánh giá tiến trình 30 năm đổi mới của vùng, từ đó tìm ra những giải pháp tối ưu cho tương lai phát triển của Tây Nam bộ trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam nói riêng và chiến lược phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam nói chung.

 

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Tây Nam bộ là vùng đất đa dạng về văn hóa, dân tộc, tôn giáo… tạo nên bản sắc riêng độc đáo. Tuy vậy, kinh tế của vùng vẫn tồn tại nhiều điểm hạn chế về cơ cấu, động lực phát triển, thu hút đầu tư… khiến tăng trưởng bấp bênh, tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được khai thác đúng mức, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định và có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất do tác động của biến đổi khí hậu...

 

Cụ thể, nền kinh tế của vùng tăng trưởng chưa ổn định và chưa vững chắc. Chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Sản phẩm du lịch của vùng bị trùng lắp, khó khăn trong việc thu hút khách và giữ khách. Nguồn nhân lực trong vùng dồi dào nhưng chất lượng rất thấp, thiếu cả đội ngũ công nhân kỹ thuật lẫn chuyên gia. Toàn bộ hệ thống giao thông vùng chưa được quy hoạch một cách tối ưu dẫn đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước còn hạn chế. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng thiếu hiệu quả, đang có nguy cơ cạn kiệt và suy thoái. Dân số đông nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao. Bên cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng...

 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long, một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết các vấn đề trên là cần có những hành động thiết thực để hiện thực hóa các chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam bộ. Vùng được xác định phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên phải bằng mọi cách đưa những thành tựu của công nghệ vào sản xuất. Cây, con giống phải được tuyển lựa từ những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học như di truyền chọn giống, cấy mô, cấy ghép tế bào... Tiếp đó là cơ giới hóa trong làm đất, khoa học thủy lợi, quản lý nguồn nước, cùng các kỹ thuật canh tác hiện đại. Công đoạn kỹ thuật sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát và công nghệ chế biến để tăng giá trị cho thành phẩm nông, thủy sản cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

 

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải liên kết vùng 13 tỉnh, thành phố Tây Nam bộ để biến “lợi thế tĩnh" của từng địa phương thành "lợi thế động" của toàn vùng, tăng tính cạnh tranh cho hàng nông sản trên thị trường trong và ngoài nước. Trên cơ sở liên kết vùng, các địa phương sẽ hỗ trợ nhau trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, giảm gánh nặng chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.

Bàn về vai trò của vùng Tây Nam bộ đối với an ninh lương thực quốc gia, Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp - Ủy viên Chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đề xuất cần xem xét lại cụm từ "vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long" khi người nông dân chưa thể sống được với thu nhập từ cây lúa. Không nhất thiết phải trở thành nước xuất khẩu lúa gạo đứng trong nhóm đầu thế giới khi người trồng lúa vẫn canh tác theo phương thức truyền thống và sống bấp bênh với thu nhập thấp. Vì thế, ngành lúa gạo vùng Tây Nam bộ cần phải được phát triển theo hướng gắn kết theo chuỗi giá trị lúa gạo để tạo ra thành phẩm giá trị cao thay vì xuất thô như hiện nay. Để làm được điều đó, cần sự chung tay góp sức của nhà nước ở vai trò hỗ trợ kết nối cung cầu, cung cấp thông tin thị trường quốc tế; nhà khoa học đưa công nghệ hiện đại đến cho nông dân, hướng nông dân vào nông nghiệp xanh công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất để đảm bảo hàng đạt đúng chất lượng đã cam kết, song song đó là học hỏi nâng cao trình độ để tiến tới làm chủ nền nông nghiệp kỹ thuật hiện đại./.

Có thể bạn quan tâm