Phát triển du lịch nông thôn (Bài 2)

Phát triển du lịch nông thôn (Bài 2)

Tăng trưởng của du lịch Việt Nam những năm qua có sự đóng góp của du lịch nông thôn. Ngành Du lịch đã khai thác các giá trị đặc trưng ở nông thôn khắp đất nước để làm phong phú thêm hệ thống sản phẩm du lịch. Du lịch nông thôn là mô hình đem lại hiệu quả trong phát triển nông thôn mới; tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở các vùng quê. Du lịch cũng tạo động lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản, nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân nông thôn. Chùm bài viết về chủ đề “Phát triển du lịch nông thôn” gồm 3 bài sẽ làm rõ những hiệu quả cũng như những việc còn hạn chế trong phát triển du lịch nông thôn hiện nay. 

Bài 2 - Du lịch cộng đồng ở vùng “đệ nhất danh trà”

Thái Nguyên được mệnh danh là “đệ nhất danh trà” với những vùng chè đặc sản nổi tiếng như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài, Sông Cầu…Sản phẩm chủ lực là cây chè nhưng người dân nơi đây đã có nhiều sáng tạo, “lấn sân” làm du lịch cộng đồng để quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm thực tế ấn tượng trong không gian văn hóa trà độc đáo.

Phát triển du lịch nông thôn (Bài 2) ảnh 1Các du khách nước ngoài tham quan vùng chè Tân Cương. Ảnh: Quân Trang - TTXVN

Tạo không gian văn hóa trà độc đáo

Xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên có thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên thuận lợi nên vùng chè nơi đây có hương vị thơm ngon đặc trưng không nơi nào có được. Toàn xã hiện có khoảng 200 hộ sản xuất, kinh doanh chè, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ sản xuất, nhiều cơ sở đã tham gia hoạt động du lịch, đón khách, tạo ra điểm du lịch trải nghiệm văn hóa trà.

Hợp tác xã chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng, mối quan tâm của du khách khi đến với Thái Nguyên là được tham quan, trải nghiệm tại các vùng chè. Do đó, cơ sở này đã tận dụng lợi thế sẵn có để xây dựng và đưa vào khai thác không gian văn hóa trà từ cuối năm 2019.

Phát triển du lịch nông thôn (Bài 2) ảnh 2Tổng thể không gian văn hóa trà của Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Ảnh: http:thainguyentourism.vn

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt chia sẻ: Không gian văn hóa trà của hợp tác xã gồm khu nhà gỗ 5 gian biệt lập hẳn với khu sản xuất, chỉ dành riêng cho du khách đến thưởng trà, trưng bày các sản phẩm chè, trong đó có khu tái hiện phương pháp sản xuất chè truyền thống và khu dành cho du khách trải nghiệm về văn hóa trà. Không gian văn hóa trà này còn có vườn hoa rực rỡ sắc màu rất thu hút khách chụp ảnh lưu niệm.

Tại không gian này, du khách có thể đi dạo trên cây cầu nổi giữa nương chè xanh biếc; cùng đội nón, đeo gùi đi hái chè cùng người dân vùng chè. Sau khi hái chè về, dưới sự hướng dẫn của cơ sở, họ thực hiện quá trình sao chè bằng phương pháp truyền thống để hiểu hơn về lịch sử quá trình sản xuất chè. Cũng tại đây, du khách sẽ được gia chủ mời thưởng thức chén trà thơm ngon trong một không gian thưởng trà vô cùng độc đáo, ấm cúng, chia sẻ kinh nghiệm làm chè và lịch sử phát triển của hợp tác xã gắn với cây chè Tân Cương.

Đến nay, không gian văn hóa trà của Hợp tác xã chè Hảo Đạt đã đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm trà nổi tiếng của vùng chè Tân Cương.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách chưa đạt được như kỳ vọng… Bà Đào Thanh Hảo khẳng định, thời gian tới, hợp tác xã chè Hảo Đạt sẽ mở rộng hệ thống dịch vụ như ăn uống, lưu trú, có hướng dẫn viên tại điểm, đội ngũ trà nương pha trà... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bà Đào Thanh Hảo cho biết, điều quan trọng khi làm du lịch là phải có sản phẩm hấp dẫn để giữ chân được du khách lâu hơn khi đến với Tân Cương, đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch bền vững ở địa phương.

Không chỉ có Hợp tác xã chè Hảo Đạt, một số cơ sở khác cũng đã đầu tư cho loại hình du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa trà tại Tân Cương. Các cơ sở này thường có diện tích chè tập trung, trình độ trồng, chế biến sản phẩm chè chất lượng cao, có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và cơ sở hạ tầng. Du khách không chỉ trải nghiệm hoạt động sản xuất, chế biến và thưởng thức trà mà còn có thể hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, đậm nét văn hóa của người Tày như hát dân ca, hát then…

Cần sự liên kết để đạt hiệu quả

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ngô Hoài Chung cho biết: Khu vực nông thôn đóng vai trò là điểm đến, cung cấp cảnh quan, không gian du lịch và các dịch vụ phục vụ du khách. Phát triển du lịch tại khu vực nông thôn đã góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới ở nước ta, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân. Mô hình này góp phần gìn giữ được nghề nông truyền thống, duy trì được sản vật địa phương có giá trị, tích tụ đất đai và lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Nhiều địa phương đã xuất hiện tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách như: Du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất ở trang trại, du lịch làng nghề, du lịch homestay ở các gia đình, du lịch tham quan trải nghiệm thiên nhiên kết hợp sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nhất là sản phẩm OCOP đã phát huy được lợi thế đặc sản của từng địa phương, cung cấp sản phẩm chất lượng cho khách.

Ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, mô hình làng du lịch văn hóa cộng đồng tại vùng chè Tân Cương trọng tâm tại xóm Hồng Thái 2 (xã Tân Cương), Khuôn 1 và Khuôn 2 (xã Phúc Trìu) và Gò Móc (xã Quyết Thắng) được triển khai từ cuối năm 2012 gắn với xây dựng nông thôn mới. Chương trình này hướng tới mục tiêu khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, tăng thu nhập, tạo việc làm cho các hộ dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế, thông qua cung cấp sản phẩm phục vụ khách du lịch. Người dân địa phương hưởng ứng tích cực mô hình này, đặc biệt những gia đình có truyền thống trồng và chế biến chè. Đến nay, xã Tân Cương đã có hộ đáp ứng được dịch vụ lưu trú tại gia ở xóm Hồng Thái 2.

Ông Phạm Tiến Sỹ khẳng định: Phát triển du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương là một trong những hướng đi phù hợp, góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm đặc sản chè, từ đó giúp người dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, mô hình còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong cách làm du lịch của các hộ dân, cách quảng bá du lịch thu hút khách. Cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn thiếu và sơ sài; nhân lực phục vụ còn hạn chế trình độ. Đặc biệt, các hộ dân còn thiếu sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm du lịch, vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm”...

Nghiên cứu của Tổng cục Du lịch cho thấy, phần lớn lao động du lịch tại nông thôn là nông dân. Tỷ lệ qua đào tạo thấp, chủ yếu lao động giản đơn nên chất lượng phục vụ thấp. Dù là vùng có làng nghề truyền thống nổi tiếng nhưng đa phần các điểm đến du lịch nông thôn thiếu đội ngũ nghệ nhân có kỹ năng trình diễn, thuyết minh, truyền tải đặc sắc văn hóa để phục vụ khách chuyên nghiệp. Phần lớn nông dân quen với sản xuất nông nghiệp nên hạn chế về tư duy kinh doanh, phục vụ dịch vụ. Bên cạnh đó, do khác biệt về trình độ phát triển, văn hóa, tập quán và ý thức làm việc nên khó bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách (kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ).

Việc liên kết giữa điểm du lịch nông thôn với doanh nghiệp lữ hành chưa hiệu quả để có thể tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường khách mục tiêu. Vấn đề tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp thông qua hoạt động du lịch chưa được khai thác tốt. Chi tiêu của khách du lịch đối với sản phẩm nông nghiệp còn thấp do quy trình chế biến sản phẩm nông nghiệp, mẫu mã, bao bì, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… chưa cạnh tranh được với hàng hóa của nước ngoài. Hoạt động xúc tiến quảng bá hàng hóa, trưng bày, trình diễn quy trình sản xuất, sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch còn thiếu chuyên nghiệp…(Còn tiếp)

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm