Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được thành lập bởi Tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws (Áo). Từ khi thành lập, nơi đây đã trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách quan tâm về phúc lợi động vật và công tác bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam. Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình chú trọng việc phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm, gắn với bảo vệ loài gấu và lồng ghép nhiều chương trình giáo dục, nhằm lan tỏa thông điệp nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã tới cộng đồng.
Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình nằm trong phân khu cây xanh sinh thái của Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình (thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan). Nơi này hiện là mái nhà chung của 47 cá thể gấu từng là nạn nhân của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật và buôn bán, vận chuyển gấu trái phép tại Việt Nam. Cơ sở được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn nuôi giữ hiện đại với 8 khu bán hoang dã, tạo cho gấu không gian sống gần với tự nhiên. Sau khi được cứu hộ, các cá thể gấu được chăm sóc và bảo đảm phúc lợi theo tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ cứu hộ và chăm sóc cho những cá thể gấu, từ năm 2019, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đưa vào thử nghiệm và triển khai mô hình gắn bảo vệ loài gấu với phát triển du lịch bền vững. Trải nghiệm mô hình du khách được tham quan, chứng kiến cảnh sinh hoạt ngoài trời của những chú gấu từ tuyến đường tour skywalk trên cao dài 250 mét. Triển lãm về gấu đầu tiên ở Việt Nam tại đây cũng cung cấp những thông tin lý thú về các loài gấu trên thế giới, câu chuyện cuộc đời của những chú gấu trước khi đến với cơ sở và sau khi được giải cứu.
Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của gấu và công việc của những người chăm sóc gấu, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ tham quan có hướng dẫn, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình có các hoạt động tham gia triển lãm, hội thảo, thi viết...
Cơ sở kết nối với các trường học thiết kế các chương trình giáo dục trải nghiệm theo yêu cầu, phù hợp với lứa tuổi như "Hướng dẫn bé làm đồ ăn cho gấu", "Em biết gì về gấu"... Sau trải nghiệm các hoạt động tại cơ sở và tìm hiểu về cuộc sống của gấu cũng như công việc của những người chăm sóc gấu, chị Phùng Phương Loan (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy nơi đây thú vị hơn nhiều so với nhiều tour du lịch trước đây mình đã từng trải nghiệm. Ở đây, tôi không chỉ được nhìn các bạn gấu mà còn nghe những câu chuyện về các bạn ấy đã được cứu hộ và bảo tồn như thế nào. Sau trải nghiệm, tôi thấy có ý thức hơn về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã nói chung”.
Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đang dần trở thành điểm đến thu hút du khách yêu thiên nhiên. Trong năm 2022, Cơ sở đã đón hơn 10 nghìn lượt khách và nhận được rất nhiều đánh giá tích cực, đặc biệt là từ khách quốc tế và các nhóm học sinh. Anh Đinh Văn Thế, Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Ninh Bình đánh giá, mô hình gắn bảo vệ loài gấu với phát triển du lịch bền vững mà Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đang triển khai rất tiềm năng, bởi ở Việt Nam hiếm có những mô hình như thế. "Cơ sở nên tổ chức nhiều chương trình khảo sát điểm đến du lịch cho các đơn vị lữ hành, chuyên gia du lịch để kết nối, quảng bá mô hình du lịch đặc sắc này. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cần tăng tính liên kết với các cơ sở, điểm đến khác trong và ngoài tỉnh để tạo tính đa dạng, phong phú cho loại hình sản phẩm du lịch này", anh Đinh Văn Thế chia sẻ.
Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã tham gia vào bản đồ du lịch như 1 điểm đến hấp dẫn về công tác cứu hộ và bảo vệ động vật hoang dã. Cùng với các hoạt động cứu hộ nhân đạo, cơ sở vận hành mô hình du lịch bền vững kết hợp giáo dục thay đổi hành vi thông qua các thông điệp "Hãy đối xử với động vật bằng sự tôn trọng, cảm thông và thấu hiểu" và "Nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã" hay "Mỗi hành động nhỏ sẽ góp phần tạo ra hiệu quả lớn trong bảo vệ thiên nhiên và môi trường"… Sự nỗ lực không ngừng của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình trong việc phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm đã góp phần lan tỏa thông điệp kêu gọi nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã tới cộng đồng.
Mặc dù phát triển mô hình du lịch nhưng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình luôn đảm bảo không quá ồn ào để tránh ảnh hưởng đến các cá thể gấu. Chính vì vậy, số tour trong ngày và số lượng người trong tour được hạn chế ở mức phù hợp. Ngoài ra, các hoạt động dành cho du khách tại cơ sở phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng phúc lợi động vật và lồng ghép nhiều chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về phúc lợi động vật và bảo vệ động vật hoang dã cho cộng đồng. Bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã nước Việt mong muốn, việc triển khai mô hình du lịch này ở Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình sẽ góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững, góp phần tạo nên hình ảnh riêng của du lịch Ninh Bình đối với du khách.
Bà Ngô Thị Mai Hương cho biết thêm, thời gian tới, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình sẽ tiếp tục mở rộng xây dựng thêm 3 nhà nuôi dưỡng gấu, 8 khu bán hoang dã và xây dựng khu giáo dục ngoài trời, khu vực triển lãm phục vụ du khách, phấn đấu nơi đây sẽ trở thành điểm đến lý tưởng về du lịch sinh thái tại Ninh Bình. Song song với đó, các hoạt động về du lịch, về giáo dục liên tục sẽ được đẩy mạnh quảng bá đến các trường học, các buổi triển lãm được triển khai ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cơ sở cũng sẽ liên kết phối hợp cùng với các nhà hàng, khách sạn, những địa điểm du lịch cùng chung định hướng phát triển, để kết hợp quảng bá các thông điệp du lịch bền vững đến với mọi người.
Thùy Dung