Phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
Rùa con được nuôi trong môi trường nhân tạo tại Vườn quốc gia Núi Chúa trước khi thả ra môi trường tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Rùa con được nuôi trong môi trường nhân tạo tại Vườn quốc gia Núi Chúa trước khi thả ra môi trường tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

* Tài nguyên đa dạng sinh học

Vườn quốc gia Núi chúa nổi tiếng với những điểm tham quan du lịch sinh thái: Vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, Suối Lồ Ồ, Suối Nước ngọt, các bãi biển có cảnh quan đặc sắc, hoang sơ như Bình Tiên, Vĩnh Hy, Bãi Chà Là, Bãi Hỏm, Bãi Thịt, Thái An… 

Ông Phạm Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ môi trường rừng Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết, Vườn quốc gia Núi Chúa có 6 kiểu rừng phân bố từ thấp đến cao. Điển hình nhất là hệ sinh thái rừng xa van bán khô hạn đặc trưng, rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới với hệ động, thực vật phong phú.

Các nhà khoa học ghi nhận có 1.054 loài thực vật, nhiều loài nhất thuộc các ngành ngọc lan, thông và dương xỉ. Về động vật, có 330 loài động vật có xương sống trên cạn với 84 loài thú, 163 loài chim và 83 loài bò sát, lưỡng cư. Trong đó có 46 loài là loài nguy cấp quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới và một số loài ưu tiên bảo tồn như: gấu ngựa, gấu chó, beo lửa, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, sơn dương, nai, gà lôi hông tía, gà tiền mặt đỏ, rùa núi vàng. 

Núi Chúa còn là nơi sinh sống của loài voọc Chà Vá chân đen, một trong những loài linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ đang được bảo tồn và phát triển. 

Vùng biển vườn quốc gia Núi Chúa có rạn san hô, thảm cỏ biển và nguồn lợi sinh vật khá phong phú. Các nhà khoa học đã phát hiện 350 loài san hô, trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ. Đặc biệt có 46 loài san hô được ghi nhận là phân loại mới tại Việt Nam. 

Đặc biệt, Vườn quốc gia Núi Chúa còn tồn tại các thềm san hô cổ ở Hang Rái, Mũi Đỏ, có ý nghĩa về mặt địa chất và lịch sử phát triển của đại dương, rất ít nơi nào có được. Đây được xem là tiềm năng to lớn và có giá trị phục vụ cho định hướng phát triển du lịch một khi được bảo tồn và phát huy đúng mức.

Thống kê của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), tại Vườn quốc gia Núi Chúa hiện có 5 trong số 7 loại rùa biển trên thế giới . Đây cũng là nơi duy nhất ở đất liền và khu vực thứ hai ở Việt Nam (sau Vườn quốc gia Côn Đảo) có quần thể rùa biển đến sinh sản như: Đồi mồi, Rùa xanh, Đồi mồi dứa.

* Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Tài nguyên đa dạng sinh học và cảnh quan vườn quốc gia Núi Chúa đang là tiềm năng, thế mạnh để khai thác và phát triển du lịch sinh thái; đồng thời tạo ra việc làm, thu nhập ổn định, đáng kể cho cộng đồng địa phương; góp phần tạo ra nguồn kinh phí xã hội hóa, tái đầu tư cho công tác phát triển rừng và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học.

Vẻ đẹp hoang sơ của điểm du lịch Hang Rái. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Vẻ đẹp hoang sơ của điểm du lịch Hang Rái. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết: "Những năm qua, chúng tôi xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng, biển là nhiệm vụ trọng tâm; phát huy tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương". 

Theo đó, trong định hướng phát triển du lịch, sự tham gia của cộng đồng địa phương luôn được ưu tiên phát triển. Cụ thể, thành lập các nhóm cộng đồng tham gia vào hoạt động hướng dẫn, phục vụ du khách tham quan rừng đặc dụng, chuyển đổi dần nghề nghiệp một số hộ đồng bào dân tộc Raglai sống ven rừng, giúp một số hộ dân có nguồn thu ổn định từ việc tham gia du lịch. Hằng ngày, khoảng từ 10 đến 20 lao động tham gia hướng dẫn khách du lịch tham quan các tour, tuyến với kinh phí hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày.

Việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển sinh kế cho người dân sống trong vùng đệm sẽ là biện pháp quản lý hữu hiệu trên cơ sở phát huy những kiến thức bản địa, kinh nghiệm của người dân trong việc bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, biển.

Trong 10 tháng đầu năm 2016, Vườn quốc gia Núi Chúa đón tiếp gần 114.000 lượt khách trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, sinh viên, học sinh tới tham quan, nghỉ dưỡng và nghiên cứu.

Hiện nay, Vườn quốc gia Núi Chúa xây dựng dự án quản lý, bảo vệ khu bảo tồn giai đoạn 2016 – 2020 với kinh phí gần 2,3 tỷ đồng, để bảo tồn và phát triển nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu, tăng cường khả năng phòng hộ rừng đầu nguồn và bảo vệ khu bảo tồn biển. 

Việc sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng, biển để phát triển du lịch sinh thái, góp phần xây dựng vườn quốc gia Núi Chúa trở thành một trung tâm phát triển du lịch – dịch vụ chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận.

Có thể bạn quan tâm