Phát triển du lịch bền vững nhìn từ thành phố trẻ Hà Tiên (Bài 2)

Phát triển du lịch bền vững nhìn từ thành phố trẻ Hà Tiên (Bài 2)
Bài 2 (Bài cuối): Đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm điểm nhấn

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song hiện du lịch Hà Tiên cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, các ngành của tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên cùng các địa phương lân cận có các giải pháp phù hợp để tháo gỡ, tạo thêm điểm nhấn, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với thành phố trẻ ở biên giới Tây Nam của đất nước.

Tăng cường liên kết, tháo gỡ khó khăn

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tiên thẳng thắn thừa nhận: Du lịch Hà Tiên tuy đã có bước phát triển mạnh mẽ song hiện vẫn là địa phương còn nghèo nàn về sản phẩm du lịch, các khu vui chơi dành cho du khách chưa thực sự hấp dẫn. Về hạ tầng du lịch, đường vào một số khu du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích đã bị hư hỏng nhiều, chưa được nâng cấp. Các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố về cơ bản đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách song lại chưa có khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn đạt 4- 5 sao. Ngoài ra, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu, vẫn còn tình trạng những hộ kinh doanh dịch vụ du lịch song lại chưa thực sự ”rành” về du lịch, chưa có trình độ chuyên môn cao.
 
Khách tham quan Nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Khách tham quan Nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
 
Nhằm khắc phục những tồn tại này, thành phố Hà Tiên xác định nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, góp phần phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, Hà Tiên đã có Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long và phù hợp với điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang đến năm 2020. Trong đó, thành phố xác định, thực hiện tốt việc liên kết với Rạch Giá - Phú Quốc tạo thành tam giác phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang; tạo điều kiện hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm xúc tiến thương mại du lịch để xây dựng các sản phẩm mới về dịch vụ, văn hóa du lịch của thành phố Hà Tiên. Hiện nay, từ Hà Tiên, du khách có thể đến đảo ngọc Phú Quốc trên những con tàu cao tốc hai thân hiện đại, độ rung lắc thấp, tàu có thể vận hành được trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, một số công ty du lịch đã thiết kế các tour du lịch hợp lý đến Hà Tiên và một số điểm lân cận như  Rạch Giá - Phú Quốc - Hà Tiên,  An Giang - Hà Tiên - Phú Quốc, góp phần thu hút du khách đến thành phố trẻ ngày càng nhiều hơn.

Thành phố tăng cường triển khai thêm nhiều loại hình dịch vụ, du lịch kết hợp với văn hóa như tham dự các lễ hội, thăm các điểm du lịch tâm linh, các thắng cảnh gắn với các truyền thuyết, truyện cổ tích…Thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dịch vụ vui chơi giải trí, tour du lịch trong và ngoài tỉnh, các tour liên kết với nước bạn Campuchia. Hà Tiên đang nỗ lực phát triển thành phố thành đô thị cửa khẩu theo mô hình thành phố văn hóa du lịch - sinh thái; tiếp tục chỉnh trang nâng cấp thành phố để đóng vai trò là hạt nhân phát triển bền vững ở biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Tạo thêm điểm nhấn

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tiên Phạm Văn Xuân, nhằm tạo thêm nhiều điểm nhấn, các sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút du khách, thành phố tập trung trùng tu, bảo tồn, nâng cấp các di tích, danh lam thắng cảnh như Thạch Động, núi Đá Dựng, Mũi Nam; đầm Đông Hồ, núi Bình San, núi Đèn; bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội ở địa phương.

Thắng cảnh Đầm Đông Hồ nổi tiếng là một trong những cảnh đẹp  hữu tình của Hà Tiên, là khu sinh thái ngập mặn đặc trưng của  tỉnh Kiên Giang, được hình thành từ sự giao thoa giữa nước mặn từ biển vào hòa với nước ngọt từ sông Giang Thành cùng các kênh: Rạch Giá - Hà Tiên, Vĩnh Tế tạo thành môi trường lý tưởng cho nhiều sinh vật sinh sống. Đầm Đông Hồ được đánh giá là nơi có giá trị đặc biệt về môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học cao, được định hướng phát triển du lịch sinh thái đặc trưng, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của thành phố. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch thành phố Hà Tiên đã khai trương tour du lịch sinh thái đầm Đông Hồ. Đây là tour du lịch mới, góp phần hiện thực hóa đề án phát triển du lịch sinh thái đầm Đông Hồ giai đoạn 2013-2020. Tour du lịch này được hoạt động dựa trên cơ sở nhân lực, cơ sở vật chất… của Hợp tác xã vận tải đầm Đông Hồ với mục tiêu kết nối và đưa du khách tham quan sinh thái đầm Đông Hồ, tham quan vườn dừa nước, vườn cò, thưởng thức các món ăn đặc sản và tìm hiểu  về cuộc sống của người dân trên đầm. Khu du lịch ở quần đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên) cũng là một điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.

Thành phố Hà Tiên đang dự kiến kêu gọi, thu hút đầu tư để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm bên cạnh loại hình du lịch cộng đồng đang được thực hiện trên đảo, thu hút những du khách yêu thích hoạt động khám phá, tìm hiểu về biển đảo. Mô hình du lịch sinh thái “miệt vườn” trên địa bàn khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức (thành phố Hà Tiên) cũng thu hút khá nhiều du khách. Tại đây, du khách có thể nghỉ ngơi trong trong rừng mắm, rừng đước, thưởng thực một số món ăn  đặc trưng của đồng bào Khmer như gà đốt, boklohong (món ăn gần giống như món nộm)…

Với nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ trong phát triển du lịch, Hà Tiên đang được kỳ vọng trở thành thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của trục tam giác Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc; An Giang - Hà Tiên - Phú Quốc nói riêng và của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong tương lai./. ( hết)

Thanh Trà - Hồng Đạt
TTXVN

Có thể bạn quan tâm