Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN |
24 tham luận của các đại biểu trình bày tại hội thảo nêu bật tiềm năng, thế mạnh, đánh giá thực trạng, đề xuất định hướng, giải pháp phát triển du lịch 3 vùng: Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển bền vững, ngay từ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 - 2010 đã xác định Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là một trong 7 địa bàn du lịch trọng điểm du lịch của cả nước. Đây là định hướng mang tầm chiến lược vẫn còn nguyên giá trị cho đến hiện nay và cả trong giai đoạn phát triển mới. Điều này khẳng định tiềm năng, vị thế của các trung tâm du lịch Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng không chỉ đối với phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang mà còn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
PGS.TS Phạm Trung Lương đề xuất giải pháp phát triển du lịch 3 vùng này gồm: Du lịch xanh thân thiện với môi trường, cốt lõi là du lịch sinh thái; du lịch văn hóa với trọng tâm là khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa lịch sử và văn hóa tâm linh rất đặc sắc ở khu vực này; du lịch cộng đồng. Kiên Giang cần có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng kết nối 3 trung tâm du lịch này với nhau và với Phú Quốc; đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu đặt ra “bứt phá” trong giai đoạn mới.
GS.TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất vùng Hà Tiên - Kiên Lương phát triển du lịch tham quan hệ sinh thái núi đá vôi; du lịch cửa khẩu Hà Tiên; du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh gắn với tham quan các di tích, danh thắng; du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề. Vùng Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải phát triển du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, làng nghề; du lịch tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo; du lịch trung chuyển; du lịch biển đảo. Vùng U Minh Thượng phát triển du lịch văn hóa lịch sử, về nguồn; tham quan, nghiên cứu khoa học hệ sinh thái rừng tràm, các loài chim, dơi Vườn Quốc gia U Minh Thượng; du lịch nông thôn…
Khách du lịch tham quan Chùa Hang, Khu du lịch Hòn Phụ Tử, huyện Kiên Lương. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN |
GS.TS Nguyễn Văn Đính đề xuất tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thuận tiện, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, đường biển phục vụ du khách tiếp cận các vùng du lịch, sản phẩm du lịch. Liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm du lịch để nâng cao giá trị, chất lượng du lịch. Tỉnh cần chú trọng xây dựng, phát triển các công ty lữ hành bằng những cơ chế thích hợp để làm cầu nối với khách du lịch trong nước, quốc tế với du lịch Kiên Giang, tăng giá trị chuỗi sản phẩm du lịch; có chính sách bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ môi trường văn hóa, môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển sản phẩm du lịch bền vững. Tăng cường áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng cách thức cụ thể để du khách biết đến du lịch Kiên Giang nhiều hơn, dễ dàng mua sản phẩm dịch vụ thông qua trang Website, qua kênh đặt chỗ, tour du lịch… Chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Kiên Giang bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, tập trung các thị trường mục tiêu, tiềm năng trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẳng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… và quốc tế chú trọng thị trường một số nước trong ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Tây Âu…
Ngoài các tham luận, đại biểu còn thảo luận về chính sách ưu đãi của 3 vùng du lịch Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng; đề xuất quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất kỹ thuật; xây dựng phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc thù và sản phẩm mới ở 3 vùng du lịch. Các đại biểu đề xuất định hướng phát triển 3 vùng du lịch trọng điểm gắn với phát triển du lịch Phú Quốc và bảo vệ môi trường; giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kêu gọi đầu tư, liên kết du lịch trong nước và quốc tế…
Ý kiến của các đại biểu giúp tỉnh định hướng và có kế hoạch phát triển 3 vùng du lịch trọng điểm, nhất là việc đầu tư khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù của từng vùng, từng địa phương. Qua đó, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiềm năng tài nguyên phong phú và đa dạng, vừa có đồng bằng, rừng, núi, biển và hải đảo với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tạo ra lợi thế cho tỉnh phát triển du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đã xác định rõ, ngoài Phú Quốc còn có 3 vùng du lịch trọng điểm là Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng. Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, khai thác tiềm năng của 3 vùng du lịch này giai đoạn 2016 - 2010 khoảng 369 tỷ đồng với 5 dự án và đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ du lịch tổng vốn 5.675 tỷ đồng. Một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, góp phần phát triển du lịch như: Nâng cấp sân bay Rạch Giá, cảng hành khách Rạch Giá, đưa điện quốc gia ra các đảo Hòn Tre, Lại Sơn (Kiên Hải), Hải Tặc (thành phố Hà Tiên), kết cấu hạ tầng Khu du lịch Mũi Nai, Thạch Động (thành phố Hà Tiên), Hòn Trẹm, Chùa Hang (Kiên Lương), Vườn quốc gia U Minh Thượng… Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh kết hợp bảo tồn phục vụ phát triển du lịch 3 vùng như: Di tích Ba Hòn, Di tích núi Bình San, Đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực...
Lê Huy Hải