Phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới

Phú Thọ bàn giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong bối cảnh mới. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Phú Thọ bàn giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong bối cảnh mới. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới ảnh 1Phú Thọ bàn giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong bối cảnh mới. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Đảm bảo đạt và vượt mục tiêu

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Lập cho biết, toàn huyện có dân số trên 95.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 79% dân số, với 17 dân tộc cùng chung sống. Yên Lập là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất của tỉnh Phú Thọ. Huyện luôn chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giúp đội ngũ này được trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng hoạt động cần thiết trong việc quản lý, điều hành, thực hiện chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhờ vậy, đến nay, số lượng cán bộ, công chức viên chức, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và cán bộ cấp xã của huyện Yên Lập đã tăng lên 1.868 người, trong đó người dân tộc thiểu số 1.295 người, chiếm 69,3%, cao nhất tỉnh. Việc sử dụng, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số luôn đạt, vượt chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đều có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn phù hợp với vị trí công tác và có bản lĩnh vững vàng, có tinh thần xây dựng và đoàn kết tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật cao.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ, tỉnh đã triển khai có hiệu quả đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo tỷ lệ hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở.

Tính đến hết năm 2021, số cán bộ người dân tộc thiểu số là 7.109 người, chiếm 19% trong tổng số cán bộ của tỉnh. Trong đó, cấp tỉnh là 818 người, chiếm 7,18% trong tổng số cán bộ cấp tỉnh. Ở 5 huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số là Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy, Tân Sơn, Đoan Hùng, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm 35,8%. Cấp xã của 5 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 902 người, chiếm 51%.

Ông Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đã thực hiện các chế độ chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhằm phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; đồng thời triển khai đầy đủ chế độ chính sách ưu tiên như cộng điểm, miễn thi ngoại ngữ trong thi tuyển công chức, viên chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở ngày càng nâng cao, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, đây cũng là những hạt nhân tiêu biểu phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng dân tộc, tôn giáo, góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống đồng bào dân tộc.

Phát triển mạnh đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 251.920 người dân tộc thiểu số đang sinh sống, chiếm 17% dân số toàn tỉnh, chiếm 3,6% số người dân tộc thiểu số khu vực Trung du miền núi phía Bắc, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao, Cao Lan, H’Mông… Phần lớn đồng bào đang sinh sống tại 218/277 xã vùng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 41 xã đặc biệt khó khăn và 239 thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Phú Thọ hiện vẫn đang là “lõi nghèo”, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với mức bình quân chung của cả tỉnh. Khoảng cách chênh lệch về mức sống, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc, giữa các vùng ngày càng gia tăng...

Nguyên nhân là do những vùng này thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, điều kiện đất đai canh tác khó canh tác, trình độ dân trí phát triển không đồng đều, việc tiếp thu chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, mật độ dân cư thưa thớt… Một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều xã vùng sâu, xa thiếu cán bộ, bố trí cán bộ chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công tác ở các xã đặc biệt khó khăn còn có những hạn chế như chưa thực sự đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Nhiều địa phương chưa quan tâm nhiều đến công tác cán bộ. Một bộ phận cán bộ không được đào tạo về chuyên môn một cách cơ bản. Một số công chức trẻ chưa thật sự yên tâm công tác, gắn bó với địa bàn xã; chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và việc vận dụng kiến thức vào công việc còn dập khuân, máy móc. Trong công tác, một số cán bộ thiếu thận trọng dẫn đến có những việc làm chưa được sự đồng tình của nhân dân địa phương… Công tác cán bộ ở các xã này còn nhiều khó khăn. Nhận thức về vai trò, vị trí của công tác cán bộ chưa được một số cấp ủy, chính quyền hiểu đúng...

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đặc biệt là trên các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ban Dân tộc, Hội đồng dân tỉnh đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo trình UBND tỉnh ban hành; phối hợp với UBND các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu tiên đối với cán bộ công chức người dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, tỉnh sẽ làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ công chức người dân tộc thiểu số, ưu tiên quy hoạch cán bộ công chức người dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; quan tâm rà soát cán bộ công chức người dân tộc thiểu số đủ điều kiện đưa vào danh sách cử đi học, triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại để nâng cao năng lực chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ công chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các chương trình đào tạo mang tính chuyên biệt đối với cán bộ công chức người dân tộc thiểu số hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra trong quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng làm việc cho cán bộ công chức người dân tộc thiểu số…

Lâm Đào An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm