Thế mạnh du lịch sinh thái miệt vườn
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương khai thác tiềm năng và thế mạnh du lịch thông qua việc tổ chức tour, tuyến, khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đầu tư, định hình những trung tâm du lịch hấp dẫn phù hợp với nhu cầu du khách cũng như đặc thù những tiểu vùng sinh thái trên địa bàn. Tại Tiền Giang, những trung tâm du lịch có sự gắn kết với nhau, với những di tích và danh lam thắng cảnh địa phương thông qua các tour du lịch do doanh nghiệp lữ hành tổ chức đã tạo được sự đa dạng, hấp dẫn.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương khai thác tiềm năng và thế mạnh du lịch thông qua việc tổ chức tour, tuyến, khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đầu tư, định hình những trung tâm du lịch hấp dẫn phù hợp với nhu cầu du khách cũng như đặc thù những tiểu vùng sinh thái trên địa bàn. Tại Tiền Giang, những trung tâm du lịch có sự gắn kết với nhau, với những di tích và danh lam thắng cảnh địa phương thông qua các tour du lịch do doanh nghiệp lữ hành tổ chức đã tạo được sự đa dạng, hấp dẫn.
Du khách tham gia hoạt động be mương tát cá. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Tỉnh Tiền Giang xây dựng nhiều khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Cái Bè trong vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền, Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười trên địa bàn huyện Tân Phước, Khu du lịch biển Tân Thành ở duyên hải phía Đông, Khu du lịch sinh thái trên cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho)… Trong đó, Khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”. Thành phố Mỹ Tho được công nhận là Trung tâm du lịch phía Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ phê duyệt.
Du khách tham gia hoạt động be mương tát cá. Ảnh: Thanh Vũ -TTXVN |
Hoạt động du lịch tại Tiền Giang hết sức sôi động với sự chung sức của các cấp, các ngành và sự tham gia của các thành phần kinh tế. Tỉnh đã hình thành chuỗi các tuyến điểm du lịch sinh thái miệt vườn, hệ thống đò chèo cùng những dịch vụ du lịch khác như: Tát đìa bắt cá, đi xe ngựa, thưởng thức ẩm thực miệt vườn sông nước… mà người dân địa phương trực tiếp tham gia, cùng chia sẻ những lợi ích từ khai thác tiềm năng du lịch sinh thái với doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những đặc trưng tạo nên nét đặc sắc cho sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn, tạo sự bền vững trong phát triển du lịch trên địa bàn Tiền Giang.
Tiền Giang hiện có trên 50 đơn vị lữ hành tham gia kinh doanh du lịch; 24 khu và điểm du lịch sinh thái đang được khai thác hiệu quả theo hướng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp du lịch, gần 650 phương tiện phục vụ du lịch, trong đó có 320 đò chèo, 234 cơ sở lưu trú, 28 nhà hàng. Hàng ngàn lao động tại địa phương tham gia vào từng khâu trong các tour du lịch sinh thái đang hoạt động, góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an sinh, tạo thu nhập và việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội…
Trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Tiền Giang đạt tốc độ tăng trưởng du lịch 10,2%. Năm 2016, tỉnh đón trên 1.690.000 lượt du khách, trong đó có trên 602.000 lượt khách quốc tế. Trong 4 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đón trên 562.000 lượt du khách, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt gần 190.000 lượt, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn đạt trên 1.786 tỉ đồng, tăng 16,7% cùng kỳ.
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, nhận thức tầm quan trọng và vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới và hội nhập, tỉnh đã có Nghị quyết phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Tiền Giang phấn đấu đến năm 2020 đón 2,2 triệu lượt du khách, trong đó có trên 900.000 lượt khách quốc tế; năm 2030 phấn đấu đón 4,74 triệu lượt du khách, trong đó có gần 2 triệu lượt khách quốc tế. Tỉnh nhân rộng những cách làm hay, hạn chế những khiếm khuyết trong điều hành du lịch nhằm mục tiêu đến năm 2030 đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác một cách đồng bộ.
Nghị quyết Tỉnh ủy Tiền Giang nhấn mạnh các giải pháp để phát triển du lịch như: Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; xây dựng các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật thúc đẩy phát triển du lịch kết hợp với tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch cũng như tích cực đào tạo và kiện toàn nguồn nhân lực đủ mạnh...
Du khách tham gia chế biến ẩm thực Nam bộ. Ảnh: Thanh Vũ -TTXVN |
Để cụ thể hóa nhiệm vụ, đưa nghị quyết vào đời sống đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch một cách bền vững, phù hợp chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, một trong những vấn đề cốt lõi cần được quan tâm là mời gọi đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này. Trung tâm đã tích cực xúc tiến đầu tư du lịch thông qua nhiều hình thức, lồng ghép trong hoạt động các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo chuyên đề… Một số dự án trọng điểm đang được tỉnh tích cực xúc tiến mời gọi là mở rộng Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười tại huyện Tân Phước có quy mô gần 360 ha, Khu Du lịch sinh thái biển Tân Thành – Hàng Dương tại huyện Gò Công Đông quy mô 64 ha…
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, vai trò liên kết vùng trong phát triển du lịch là giải pháp tích cực nhằm tạo sự đồng bộ, đa dạng và tăng tính hấp dẫn du khách, đưa ngành "công nghiệp không khói cất cánh". Tỉnh đã ký kết Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long là: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang. Nhiều hoạt động thiết thực trong chương trình liên kết được triển khai. Tỉnh đã tổ chức các đoàn khảo sát để kết nối tour – tuyến du lịch chung; tích cực trao đổi kinh nghiệm hợp tác phát triển du lịch; kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh – một đối tác lớn và quan trọng đối với toàn vùng; hợp tác xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch đồng thời đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên ngành; xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Minh Trí
TTXVN