Phát triển bền vững du lịch vùng Đồng Tháp Mười (Bài 2)

Cánh đồng cỏ năng và rừng tràm tại Vườn quốc gia Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Cánh đồng cỏ năng và rừng tràm tại Vườn quốc gia Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác và phát triển du lịch. Tuy nhiên, hoạt động khai thác du lịch tại các địa phương đến nay vẫn chưa phát triển như mong muốn. Các địa phương này đang tìm cách "tháo gỡ" khó khăn nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch.

Phát triển bền vững du lịch vùng Đồng Tháp Mười (Bài 2)  ảnh 1Cánh đồng cỏ năng và rừng tràm tại Vườn quốc gia Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

* Bài 2 - Gỡ “nút thắt”, khai thác hiệu quả tiềm năng

* Đa dạng các tour, tuyến và sản phẩm du lịch

Huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác và phát triển du lịch, với mô hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh. Tuy nhiên, hoạt động khai thác du lịch trên địa bàn huyện đến nay vẫn chưa phát triển như mong muốn. “Điểm nghẽn” dễ nhìn thấy nhất chính là việc tổ chức tour, tuyến du lịch. Các tour, tuyến chưa được thiết lập và kết nối chặt chẽ, hiệu quả, chủ yếu là đoàn tham quan, học tập của cơ quan nhà nước.

Theo ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, qua các chuyến khảo sát du lịch tại huyện Tân Phước cho thấy, địa phương này cần thu hút đầu tư thêm nhà hàng, điểm dừng nghỉ phục vụ du khách và chuyên nghiệp hóa hoạt động tại điểm khai thác du lịch. Huyện cần xây dựng đề án cụ thể đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với hoạt động nông nghiệp; đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch huyện Tân Phước gắn kết nối sản phẩm du lịch khác trên địa bàn tỉnh…

Trên địa bàn huyện Tân Phước hiện có 4 cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch nhưng nằm rải rác và cách xa điểm tham quan, du lịch. Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch... còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch trong sử dụng dịch vụ, vui chơi, trải nghiệm. Khó khăn khác đối với du lịch ở huyện Tân Phước là cầu, đường, bến xe, cầu tàu... chưa đồng bộ để khai thác tối ưu phục vụ nhu cầu vận chuyển khách du lịch đến tham quan.

Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước cho biết, để từng bước gỡ “nút thắt” trong khai thác tiềm năng du lịch, huyện tiếp tục thu hút đầu tư vào du lịch. Trong đó, huyện định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với vừa khai thác, vừa bảo tồn Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và du lịch tâm linh. Thời gian tới, huyện Tân Phước phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang xây dựng kế hoạch, chính sách phù hợp phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Địa phương đầu tư các tuyến đường giao thông đảm bảo cho đoàn tham quan có thể tiếp cận điểm tham quan, du lịch; đầu tư xây dựng thương hiệu, quảng bá du lịch Tân Phước.

Đồng thời, huyện tiếp tục khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử, chủ động tạo ra sản phẩm du lịch và đặc sản ẩm thực địa phương, du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề. Địa phương chủ động liên kết với doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh xây dựng tour, tuyến đưa khách du lịch đến trải nghiệm. Đặc biệt tăng cường tuyên truyền, định hướng người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An Nguyễn Thành Thanh cho biết, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển ngành Du lịch, đặc biệt là các dự án du lịch tại địa phương. Theo đó các dự án du lịch thời gian qua được đầu tư, tôn tạo nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đến nay có nhiều nhà đầu tư tham gia vào dự án, khu/điểm du lịch, đặc biệt là khu du lịch đặc trưng của địa phương.

Bên cạnh hạng mục đã hoàn thành, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập đang xây dựng khu cắm trại ven sông, dự kiến cuối năm 2023 hoàn thành phục vụ khách du lịch. Doanh nghiệp này đang khảo sát nghiên cứu xây dựng thêm các hạng mục: Khu homestay làng quê Nam Bộ (50 phòng), Bungalow Làng Nổi, Bungalow 23 căn.

Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười có mục tiêu là phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dã ngoại... kết hợp bảo tồn, nghiên cứu và phát triển các loài cây dược liệu, đặc biệt là cây tràm gió. Doanh nghiệp xây dựng hoàn thành nhiều hạng mục phục vụ nhu cầu tham quan, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng của du khách như: Khu nghỉ dưỡng, khu tắm rừng, khu trồng nấm dược liệu, khu cắm trại, khu trải nghiệm chiết xuất tinh dầu, nhà xông hơi, tắm hơi, khu trưng bày sản phẩm... Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan, 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp xây dựng thêm hạng mục bến thuyền và đưa vào phục vụ du khách.

Phát triển bền vững du lịch vùng Đồng Tháp Mười (Bài 2)  ảnh 2Du khách trải nghiệm cùng người dân đi hái hoa súng mùa nước nổi ở vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

* Tăng cường sản phẩm du lịch trải nghiệm

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh của địa phương. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch đóng góp từ 5 - 6% trong tổng giá trị GRDP, thu hút 5 triệu lượt khách, tăng bình quân 11,11%/năm; tổng thu du lịch đạt 2.100 tỷ đồng, tăng bình quân 5%/năm. Giải quyết việc làm cho 15.000 lao động.

Đồng Tháp đang thực hiện các biện pháp phát triển du lịch như, hoàn thiện hệ thống tin dữ liệu ngành Du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; hoàn thiện cơ chế chính sách, năng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch; phát triển hạ tầng giao thông và sản phẩm du lịch đặc trưng; bảo vệ môi trường du lịch, an ninh, an toàn, thân thiện và văn minh; chuyển đổi số trong ngành Du lịch…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái ở khu vực Đồng Tháp Mười, tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch, tăng cường xã hội hóa hoạt động du lịch, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Tỉnh đa dạng hoá, nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa và gia tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp; đẩy mạnh quảng bá và thu hút đầu tư, nâng cao năng lực, nhất là cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Long An đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch để tích ứng sự thay đổi của cuộc cách mạnh công nghệ thông tin… phục vụ du khách nhanh chóng, thuận lợi, chất lượng tốt nhất.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An, hạn chế của du lịch địa phương hiện nay là các loại hình sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đa số ở dạng tiềm năng, chủ yếu mới khai thác tiềm năng du lịch tự nhiên và di tích lịch sử văn hóa sẵn có. Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu kết nối với các khu, điểm có tiềm năng du lịch trọng yếu; nguồn vốn đầu tư cho du lịch còn hạn chế; cơ chế, chính sách phát triển du lịch chưa thực sự thông thoáng. Việc thu hút nhà đầu tư lớn tham gia vào phát triển du lịch gặp khó khăn, chưa đầu tư mạnh vào ckhu, điểm du lịch để hình thành sản phẩm, dịch vụ...

Các dự án du lịch, nhất là di tích lịch sử văn hóa còn gặp nhiều khó khăn trong công tác mời gọi đầu tư. Hoạt động lưu trú, lữ hành và hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, hiện nay, toàn tỉnh chưa có khách sạn 3 sao trở lên.

Ông Nguyễn Thành Thanh chia sẻ, các giải pháp chủ yếu địa phương đặt ra là tăng cường công tác quản lý quy hoạch; tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm kích cầu xã hội hóa đầu tư du lịch; xã hội hóa du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch.

Tỉnh chú trọng xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch Long An theo chủ đề: Du lịch sông nước Vàm Cỏ và thiên đường giải trí; mở rộng hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Với tiềm năng cùng thế mạnh sẵn có cũng như sự quyết tâm, vào cuộc của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp và Long An, trong thời gian tới, tiềm năng và thế mạnh về du lịch sinh thái của tiểu vùng Đồng Tháp Mười chắc chắn sẽ được khai thác và phát huy hiệu quả. (Hết)

Hữu Chí - Nhựt An - Đức Hạnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm