Phát huy vai trò chủ thể của người dân - khởi sắc nông thôn mới ở Ninh Thuận

Đường vào xã nông thôn mới Phước Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Đường vào xã nông thôn mới Phước Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Thuận có bước “chuyển mình” mạnh mẽ với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhiều mô hình kinh tế mới ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiệu quả đang dần tăng thu nhập cho người dân. Chương trình đã góp phần thúc đẩy các địa phương xây dựng thành công nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân - khởi sắc nông thôn mới ở Ninh Thuận ảnh 1Đường vào xã nông thôn mới Phước Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Phát huy vai trò chủ thể của người dân

Xã ven biển Cà Ná, huyện Thuận Nam hôm nay khoác lên mình diện mạo mới với nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường được trải nhựa, đổ bê tông trải dài sạch đẹp. Địa phương đang tập trung phát huy thế mạnh về kinh tế biển, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, thương mại để chuyển đổi theo hướng gia tăng giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thắng, người dân địa phương cho hay, từ khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, gia đình ông cùng nhiều hộ dân tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức để xây dựng quê hương. Chính quyền các cấp, ngành cũng luôn quan tâm, hỗ trợ ngư dân đầu tư tàu thuyền công suất lớn, đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng, ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác hải sản... nhờ đó đời sống kinh tế bà con nâng lên hơn trước rất nhiều.

Xã Cà Ná được thành lập theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ. Tổng diện tích tự nhiên hơn 1.289 ha, toàn xã có 2.682 hộ với 8.507 khẩu cư trú trên địa bàn 5 thôn. Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2016, xã Cà Ná tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân - khởi sắc nông thôn mới ở Ninh Thuận ảnh 2Ngư dân xã Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Bà Dương Thị Mỹ Diễm, Chủ tịch UBND xã Cà Ná cho biết, địa phương tập trung thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, qua tuyên truyền vận động, người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là quyền lợi và nghĩa vụ. Từ đó, đa số người dân trong xã đã tích cực tham gia, thể hiện qua các việc làm cụ thể như tự đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp nhà ở để đạt chuẩn, xây dựng nhà vệ sinh, góp tiền, ngày công lao động để xây dựng đường bê tông nông thôn, tham gia mua bảo hiểm y tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác thủy sản, phát triển kinh tế gia đình.

Từ năm 2017 đến nay, xã Cà Ná đã huy động từ các nguồn lực hơn 118,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội phục vụ sản xuất, giao thương; xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của người dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 58 triệu đồng/năm. Đến nay, xã Cà Ná đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Chủ tịch UBND xã Cà Ná cho biết thêm.

Tại các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống, diện mạo nông thôn mới có sự thay đổi rõ rệt. Điển hình như tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, người dân đã thực hiện nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây măng tây xanh cho lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, nhờ đó đời sống của người nông dân, trong đó có đồng bào Chăm ngày càng phát triển. Xã An Hải đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước thông tin, huyện đang tập trung hỗ trợ các địa phương triển khai, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng măng tây xanh, nho, táo, sản xuất lúa, ngô, cây rau màu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp chăn nuôi bò, dê, cừu; phát triển các nghề dệt thổ cẩm, làm gốm giúp đồng bào Chăm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2023, huyện Ninh Phước phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 71,43 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,48%.

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận, đến nay tỉnh có 2 huyện gồm Ninh Phước, Ninh Hải được công nhận huyện nông thôn mới, có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 38 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Từ những kết quả đã đạt được của hoạt động xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua, Ninh Thuận đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng tới những thành tựu mới, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân - khởi sắc nông thôn mới ở Ninh Thuận ảnh 3Một góc xã Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao với hệ thống giao thông thuận lợi tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có 216 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 13 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”. Các địa phương đang tập trung triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 gắn với hoạt động cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị; phát huy vai trò chủ thể của người dân và vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Thuận tập trung hoàn thành 5 nhóm tiêu chí về quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường và hệ thống chính trị đảm bảo đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025. Đồng thời đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện đề án với tổng nguồn vốn huy động trên 10.000 tỷ đồng.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang tập trung huy động tối đa nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác trên địa bàn; thu hút đầu tư của doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác công tư và xã hội hóa; thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm.

Trong năm 2023, ngoài việc duy trì, giữ vững các thành tích trong xây dựng nông thôn mới, Ninh Thuận phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh nỗ lực để giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ở nông thôn ít nhất 1,5% và giảm trên 3% hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh quyết tâm thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân, giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại. Trong đó, Ninh Thuận đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; thực hiện Chương trình OCOP; chuyển đổi số và phát triển du lịch nông thôn.

Để các vùng nông thôn không chỉ thay đổi về hình thức mà đời sống người dân ngày càng ấm no, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; chú trọng phát triển kinh tế tập thể; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm