Xã miền núi Minh Khương vượt khó xây dựng nông thôn mới

Xã miền núi Minh Khương vượt khó xây dựng nông thôn mới

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, xã Minh Khương (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) đã có sự đổi thay rõ rệt. Từ địa phương đặc biệt khó khăn, với những hạn chế đặc thù của xã miền núi, đến nay, Minh Khương đã vươn mình, phát huy sức mạnh tập thể hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ngày càng nâng lên.

Xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm thấp

Ông Triệu Ngọc Phúc, Chủ tịch UBND xã Minh Khương cho biết, xã có 1.033 hộ dân, trong đó trên 71% là đồng bào dân tộc thiểu số. Là xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Hàm Yên, Minh Khương bắt tay xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp chỉ đạt 3/19 tiêu chí. Vì vậy, địa phương xác định, muốn thay đổi diện mạo nông thôn phải phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân; tích cực lồng ghép các nguồn lực, thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, ngành nghề thủ công truyền thống nhằm phát huy lợi thế của từng thôn. Xã khuyến khích nhân dân liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo hướng hàng hóa, phát triển các cây trồng chủ lực như: cam sành, chanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Xã miền núi Minh Khương vượt khó xây dựng nông thôn mới ảnh 1Gia đình bà Nông Thị Minh (trái ảnh), thôn Minh Hà, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) hiến hơn 120m2 đất, vườn để thôn làm đường bê tông. Ảnh: Vũ Quang-TTXVN

Theo Chủ tịch UBND xã Minh Khương, xã chỉ đạo các cán bộ chuyên môn, cán bộ thôn, bản phát động và thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nhân dân hiểu và chủ động cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới.

Thôn Minh Hà là một trong những thôn điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Minh Khương. Chị Vương Minh Ngọc, Trưởng thôn Minh Hà cho biết, đây là thôn vùng sâu, vùng xa, nghèo khó nhất xã Minh Khương với trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Gia đình chị Vi Thị Vĩnh (dân tộc Tày, thôn Minh Hà) đã thoát khỏi diện hộ nghèo gần 1 năm nay. Chị Vĩnh chia sẻ, trước đây, gia đình chị trồng cam sành, nhưng vì không hợp với đất, cây cam chết dần. Để trang trải cuộc sống, chị phải đi làm công nhân tại một số tỉnh miền xuôi nhưng cũng không thuận lợi. Trước tình hình đó, trở về quê hương, vợ chồng chị quyết định trồng thử nghiệm cây chanh tứ mùa. Thấy hiệu quả tốt, năm 2022, gia đình chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn tín dụng chính sách, cải tạo đất, chuyển đổi toàn bộ diện tích cây cam cho năng suất thấp sang trồng chanh tứ mùa. Mỗi năm, cây cho 4 lứa quả. Vụ đầu năm 2023, gia đình chị thu hoạch được gần 5 tạ chanh, thu về trên 100 triệu đồng. Có nguồn thu ổn định, cuộc sống của gia đình chị ngày một ổn định.

Xã miền núi Minh Khương vượt khó xây dựng nông thôn mới ảnh 2Gia đình chị Vi Thị Vĩnh, thôn Minh Hà, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thoát nghèo nhờ trồng chanh tứ mùa. Ảnh: Vũ Quang-TTXVN

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, để hoàn thiện tuyến đường bê tông của thôn, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương, buôn bán, 16 hộ dân ở thôn Minh Hà đã đồng lòng, tự nguyện hiến đất, với tổng diện tích hơn 1.000 m2 để làm đường bê tông. Bà Nông Thị Minh, thôn Minh Hà chia sẻ, trước kia, con đường đất đi lại rất vất vả. Mỗi khi trời mưa, trẻ con đi học, người lớn đi làm rất khó khăn. Khi biết có chủ trương hỗ trợ làm đường bê tông đi qua phần đất và vườn của gia đình, bà tự nguyện hiến hơn 120 m2 đất vườn. Những người dân nơi đây đều phấn khởi khi được góp công góp sức để con đường sớm hoàn thành, thuận tiện cho việc đi lại.

Để giúp vùng trồng cam phát triển bền vững, năm 2020, Hợp tác xã Nông sản sạch Minh Khương được thành lập. Đây là một trong những địa chỉ cung cấp cam sành uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Anh Mai Văn Phi, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Minh Khương cho biết, Hợp tác xã thành lập năm 2020, có 7 thành viên, trồng tổng diện tích trên 60 ha cam sành. Các thành viên đều là những hộ trồng cam nhiều năm có kinh nghiệm, nhưng để tăng giá trị sản phẩm, Hợp tác xã vận động các hộ thay đổi tư duy chăm sóc, chú trọng chất lượng sản phẩm… Cuối năm 2021, đơn vị đã hoàn thành việc làm tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cam sành. Nhờ đó, cam sành của Hợp tác xã đã lên được các sàn thương mại điện tử, tạo thêm uy tín với người tiêu dùng, là lựa chọn của nhiều siêu thị lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... Từ đó, thu nhập từ một ha cam đã tăng khoảng 15% so với những năm trước.

Hoàn thành 19/19 tiêu chí

Những nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và nhân dân xã Minh Khương đã cho “quả ngọt”. Đời sống nhân dân ngày một cải thiện, cơ sở hạ tầng, diện mạo của địa phương cũng khởi sắc. Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; bê tông hóa 100% đường trục xã, gần 82% đường nội thôn, liên thôn; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 95% hộ dân được sử dụng nước sạch, trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát...

Xã miền núi Minh Khương vượt khó xây dựng nông thôn mới ảnh 3Diện mạo xã Minh Khương ngày một khang trang. Ảnh: Vũ Quang-TTXVN

Theo ông Triệu Ngọc Phúc, Chủ tịch UBND xã Minh Khương, dù xã đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, song việc phát triển kinh tế - xã hội, mức thu nhập của người dân vẫn chưa ổn định. Với quan điểm “xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc”, thời gian tới, xã tiếp tục lãnh đạo nhân dân duy trì và nâng cao tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; chú trọng việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng giúp kinh tế - xã hội địa phương đảm bảo tính ổn định, bền vững và lâu dài.

Xã miền núi Minh Khương vượt khó xây dựng nông thôn mới ảnh 4Cầu Minh Hà được đầu xây dựng giúp nhân dân xã Minh Khương (huyện Hàm Yên) đi lại thuận tiện hơn. Ảnh: Vũ Quang-TTXVN

Ông Triệu Ngọc Phúc cho biết thêm, để đưa Minh Khương ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để huy động sức dân là một trong những yêu cầu quan trọng, quyết định. Việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích; từ đó, có những chuyển biến về nhận thức, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, địa phương phát huy được vai trò lãnh, chỉ đạo của chi ủy, chi bộ và trách nhiệm gương mẫu của đảng viên, phân công rõ trách nhiệm cho từng cán bộ, công chức phụ trách từng tiêu chí, từng thôn bản. Thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã bám sát từng hộ gia đình để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; từ đó, đưa ra các giải pháp giải quyết đúng đắn, kịp thời…

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm