Quân - dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai

Quân - dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai

Tại Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, công cuộc xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, cùng với đó là điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn thiếu thốn khiến việc vận động, đóng góp sức dân còn nhiều hạn chế. Từ thực trạng này, lực lượng quân sự địa phương đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ để thay đổi dần các hủ tục lạc hậu, chung tay xây dựng nông thôn mới, giúp nâng cao đời sống nhân dân, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trên địa bàn.

Quân - dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai ảnh 1Ban Chỉ huy quân sự huyện Chư Pưh (Gia Lai) giúp xây dựng nhà cho gia đình em Nguyễn Văn Việt, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Phan Chu Trinh, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Gắn bó quân - dân bền chặt

Từ nguồn kinh phí được trích từ Quỹ “Hũ gạo vì người nghèo” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pưh, cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã giúp được nhiều gia đình khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Đây là một trong những việc làm thiết thực, thể hiện sự quan tâm của cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pưh đối với những hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn, góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân - dân bền chặt.

Anh Siu Bak (thôn Tong Will, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho biết, gia đình anh thuộc hộ nghèo. Đầu năm 2022, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tặng gia đình một con bò giống trị giá gần 15 triệu đồng, tạo sinh kế để gia đình gây giống. Được hướng dẫn cách nuôi bò, gia đình tập trung chăm sóc, bò mẹ đã đẻ được hai con bê. Anh Bak dự định năm sau sẽ bán một con bê lấy tiền mua giống, phát triển diện tích rẫy cây keo của gia đình. Thay mặt gia đình, anh Bak rất cảm ơn bộ đội đã giúp đỡ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế.

Quân - dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai ảnh 2Ban Chỉ huy quân sự huyện Chư Pưh (Gia Lai) trao bò giống từ nguồn kinh phí được trích từ quỹ “Hũ gạo vì người nghèo” của đơn vị cho anh Siu Bak, thôn Tong Will, thị trấn Nhơn Hoà, huyện Chư Pưh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Gia đình em Nguyễn Văn Việt (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, xã Ia Blứ) thuộc diện khó khăn, bố mẹ không có việc làm ổn định, không có đất canh tác. Cả 5 thành viên trong gia đình phải sống trong căn nhà tạm khoảng 10 m2 không đủ che mưa nắng, nhất là mùa mưa, nhà dột tứ phía. Biết hoàn cảnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện thường đến thăm, động viên, vận động nhà hảo tâm xây cho gia đình em một căn nhà mới.

Em Nguyễn Văn Việt chia sẻ, gia đình khó khăn, em chỉ biết cố gắng học thật giỏi, sau này nhờ cái chữ để đổi đời. Em cảm ơn cô chú bộ đội luôn quan tâm và tặng quà, xây nhà, giúp đỡ gia đình em vượt qua khó khăn.

Quân - dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai ảnh 3Ban Chỉ huy quân sự huyện Chư Pưh (Gia Lai) hỗ trợ kinh phí, ngày công xây nhà cho gia đình em Nguyễn Văn Việt, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Phan Chu Trinh, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Để công tác dân vận đạt kết quả cao và đi vào chiều sâu, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pưh thường xuyên chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các xã tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch; phối hợp với, ban ngành, mặt trận, đoàn thể ở địa phương thực hiện tốt công tác dân vận, trong đó tập trung thực hiện các nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”. Ban Chỉ huy Quân sự huyện chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các xã tổ chức lồng ghép vận dụng công tác dân vận vào các đợt huấn luyện dân quân tự vệ. Nhờ đó, trong các đợt ra quân huấn luyện kết hợp với công tác dân vận, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang luôn đoàn kết, giúp đỡ bà con địa phương phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư, thôn, làng văn hóa.

Gia đình anh Siu Bak và em Nguyễn Văn Việt là một trong hàng nghìn trường hợp được cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang huyện Chư Pưh giúp đỡ trong thực hiện phong trào “Quân đội tham gia xây dựng nông thôn mới”. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, từ nguồn quỹ tự cân đối, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pưh đã thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo hàng chục triệu đồng; giúp hai gia đình thoát nghèo bền vững.Đơn vị huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ lực lượng dọn 1,4 km kênh mương nội đồng, 1 km đường liên thôn, một điểm trường; giúp hàng chục hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc, thu hoạch mùa vụ...

Quân - dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai ảnh 4Ban Chỉ huy quân sự huyện Chư Pưh (Gia Lai) thường xuyên tổ chức các đợt tặng quà cho gia đình khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Chỗ dựa vững chắc của người dân

Ông Lê Quang Vang, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết, chính quyền địa phương luôn ghi nhận sự đóng góp công sức của lực lượng vũ trang trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Qua đó, tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân - dân, xây dựng thế trận toàn dân vững mạnh. Quốc phòng, an ninh chính trị ổn định, giúp nhân dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ngày càng vững mạnh.

Cùng với những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, lực lượng vũ trang tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn là chỗ dựa vững chắc của người dân mỗi mùa mưa lũ. Qua nhiều đợt cứu hộ, cứu nạn, liều mình cứu người và tài sản của dân trong dông lốc, mưa lũ, bộ đội Cụ Hồ luôn điểm tựa để người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Địa hình huyện Ia Pa có độ dốc lớn nên thường xảy ra lũ quét. Bên cạnh đó, địa bàn còn có nhiều con sông lớn, nhỏ hợp lưu với nhau gây ra ngập lụt trên diện rộng. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ia Pa, mùa mưa lũ năm 2022, huyện thiệt hại gần 100 ngôi nhà; hàng trăm ha hoa màu, cây công nghiệp bị vùi lấp, cuối trôi; ước thiệt hại hàng tỷ đồng. Với phương châm: “Chung sống là quy luật; phòng, chống như đánh giặc; 4 tại chỗ là phương thức; nâng cao ứng phó là trọng tâm”, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang huyện Ia Pa luôn chủ động kiểm tra tình trạng kỹ thuật, vật chất bảo đảm khi có tình huống xảy ra trên địa bàn là sẵn sàng thực hiện phương án “4 tại chỗ”.

Chủ tịch UBND xã Kim Tân (huyện Ia Pa) Lê Hữu Hưng cho biết, khi có cảnh báo về mưa lũ, chính quyền cơ sở lập tức trao đổi với lực lượng vũ trang huyện, kiểm tra các trang thiết bị, phương tiện ứng phó với thiên tai bão lũ. Địa phương bố trí lực lượng giữa hai bên đầu tuyến để có sự hỗ trợ kịp thời, chuẩn bị phao cứu sinh, thuyền, ca nô, cùng với các phương tiện nhỏ để tiếp cận người dân tại vùng chia cắt nhanh nhất.

Quân - dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai ảnh 5Ban chỉ huy quân sự huyện Ia Pa kiểm tra các vật dụng ứng cứu mưa lũ để đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn cho người dân được kịp thời. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Cứu hộ, cứu nạn trong hạn hán hay mưa bão, giúp dân công sức, tiền bạc để phát triển kinh tế đã có bộ đội Cụ Hồ. Với người dân Tây Nguyên, bộ đội Cụ Hồ đã như là người thân trong gia đình. Thông qua các hoạt động dân vận, lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân trong khu vực.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm