Quân - dân gắn kết, cùng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Binh đoàn 15 bàn giao nhà từ nguồn kinh phí Binh đoàn hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số tại làng Krêl2, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Binh đoàn 15 bàn giao nhà từ nguồn kinh phí Binh đoàn hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số tại làng Krêl2, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng Quân đội đứng chân trên địa bàn là một trong những chỗ dựa vững chắc, hỗ trợ người dân trong công cuộc xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên vùng đất đỏ bazan hùng vĩ, kiên cường.

Quân - dân gắn kết, cùng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ảnh 1Binh đoàn 15 bàn giao nhà Rông văn hóa cho làng Tung Chruc, xã Ia Khai, huyện Ia Grai (Gia Lai) từ nguồn kinh phí Binh đoàn hỗ trợ. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo báo cáo từ Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai, trong năm 2022, Binh đoàn 15 giúp nhân dân tỉnh Gia Lai trồng các loại cây trên diện tích 5,7 ha, thu hoạch 3,5 ha lúa nước; hỗ trợ giống, vốn, vật tư sản xuất; đầu tư tu sửa, làm mới gần 12 km đường giao thông. Binh đoàn hỗ trợ địa phương xóa nhà tạm, di dời 5 gia đình ra khỏi khu vực sạt lở; hỗ trợ 19 tấn gạo giáp hạt cho gần 1.500 hộ nghèo; xây mới, sửa chữa 23 nhà ở cho hộ khó khăn về nhà ở.

Quân - dân gắn kết, cùng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ảnh 2Binh đoàn 15 bàn giao nhà từ nguồn kinh phí Binh đoàn hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số tại làng Krêl2, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Sư đoàn 2 (Quân khu 5) giúp nhân dân di dời 62 ngôi nhà, sửa chữa, xây mới 87 ngôi nhà; hỗ trợ bò, lợn, dê và cây giống cho 14 hộ nghèo của tỉnh Gia Lai.

Quân đoàn 3 huy động nhiều ngày công giúp các địa phương sửa chữa, làm mới 59 km đường giao thông liên thôn; di dời nhà ở và chuồng trại chăn nuôi, giúp bà con thu hoạch nông sản...

Quân - dân gắn kết, cùng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ảnh 3Bộ đội Quân đoàn 3 hỗ trợ người dân làng Krot Kret, xã H'ra huyện Mang Yang (Gia Lai) làm đường giao thông. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Đến xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai) những ngày này, người dân tộc thiểu số vui mừng vừa thu hoạch vụ lúa bội thu nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật từ mô hình “Trình diễn lúa nước” do Đồn Biên phòng Ia Mơ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) hướng dẫn. Ông Rơ Châm Kưk, làng Klăh, xã Ia Mơ cho biết, năm nay, gia đình ông trồng 2 ha lúa nước, cho thu hoạch hơn 15 tấn lúa nước. Đây là một kỳ tích về năng suất lúa nước của bà con trong vùng.

Để giúp nhân dân thay đổi tư duy, phương pháp canh tác, năm 2014, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Mơ và chính quyền địa phương phối hợp xây dựng mô hình “Trình diễn lúa nước” quy mô hơn 5.000 m2, tại làng Klăh. Mô hình được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơ tiến hành chặt chẽ từ khâu chọn giống, làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch rồi sau đó tuyên truyền, vận động người dân đến tham quan, học tập.

Theo Thượng tá Nguyễn Đức Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Mơ, năm đầu tiên, Đồn thu hoạch được 3 tấn lúa từ mô hình, nhiều người dân đến xin làm theo mô hình của bộ đội. Sau đó, đơn vị đã chọn 13 hộ ở làng Klăh, hỗ trợ giống, ngày công để trồng lúa nước trên diện tích 18,3 ha. Đến nay, địa bàn xã Ia Mơ đã có hàng trăm gia đình canh tác lúa nước và thoát nghèo bền vững vì mô hình cho năng suất cao tạo ra nguồn lương thực dồi dào đã thay đổi nhận thức, thói quen canh tác lạc hậu của bà con.

Quân - dân gắn kết, cùng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ảnh 4Mô hình “Trình diễn lúa nước” của Đồn Biên phòng Ia Mơ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) cho năng suất cao, giúp hàng trăm hộ dân tộc thiểu số tại làng Klăh, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông thoát nghèo. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Đak Djrăng là một xã nghèo thuộc huyện Mang Yang. Đây cũng là địa bàn từng bị các đối tượng thù địch lợi dụng tà đạo gây mất trật tự an toàn xã hội. Để nắm chắc tình hình địa bàn, nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ tiềm ẩn, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng đã mở các khóa bồi dưỡng kiến thức tiếng dân tộc Bahnar cho cán bộ, nhân viên thuộc tổ công tác dân vận của các đơn vị đứng chân trên địa bàn để bộ đội thuận tiện giao tiếp, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Tổng cục Kỹ thuật đã thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống đồng bào, đặc biệt là thực hiện các chương trình thăm khám sức khỏe, lồng ghép tuyên truyền về những cách phòng, chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, COVID-19.

Ông Rơ Ngao (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho hay "Ngày xưa, bà con không biết đi khám sức khỏe, có bệnh kêu thầy cúng hoặc tự chữa. Bộ đội về khám, cho thuốc, cho quà, dạy dân ở sạch sẽ và làm ăn tốt hơn. Cảm ơn bộ đội, cám ơn Nhà nước nhiều lắm".

Quân - dân gắn kết, cùng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ảnh 5Trung tướng Trần Duy Hưng, Chính ủy Tổng cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng thăm, tặng quà cho bà con người dân tộc thiểu số tại xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Trung tướng Trần Duy Hưng, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng cho biết, nhờ công tác dân vận, tỷ lệ vi phạm pháp luật trên địa bàn giảm đi rất nhiều. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cũng như sự hướng dẫn, giúp đỡ của bộ đội, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Đặc biệt, qua công tác dân vận, lực lượng Quân đội luôn giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Đây là một động lực để giúp các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn yên tâm gắn bó, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ.

Quân đoàn 3 là một trong những đơn vị tích cực thực hiện công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị trực thuộc Quân đoàn 3 đã ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tỉnh Gia Lai năm mươi triệu đồng; hỗ trợ kinh phí và công lao động xây 12 Nhà chính sách, 5 Nhà tình nghĩa...

Quân - dân gắn kết, cùng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ảnh 6Bộ đội Quân đoàn 3 giúp người dân làng Krot Kret, xã H'ra, huyện Mang Yang (Gia Lai) làm hàng rào. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Mới đây, gia đình ông K’Sor Gưn (làng Phung, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku) thuộc diện hộ nghèo đã được cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 hỗ trợ công xây dựng nhà Đại đoàn kết. Căn nhà của ông Gưn có tổng diện tích hơn 120 m2; tường xây, mái lợp tôn, nền lát gạch hoa, gồm một phòng khách, 3 phòng ngủ và bếp. Tổng kinh phí xây dựng căn nhà là trên 260 triệu đồng, trong đó, Quân đoàn 3 ủng hộ 50 triệu đồng và 130 ngày công xây dựng, người dân hỗ trợ trên 300 ngày công.

Quân - dân gắn kết, cùng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ảnh 7Đại diện lãnh đạo Quân đoàn 3 trao quà trong lễ bàn giao nhà Đại đoàn kết từ nguồn Quân đoàn 3 ủng hộ cho gia đình ông Gưn, làng Phung, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Gưn xúc động cho hay, "mấy chục năm gia đình nghèo không có nhà an toàn để ở, nay được bộ đội và chính quyền địa phương xây nhà để gia đình yên tâm lao động sản xuất. Gia đình biết ơn bộ đội, biết ơn chính quyền địa phương nhiều".

Những mô hình, hoạt động dân vận thiết thực của lực lượng vũ trang giúp người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai thay đổi nếp nghĩ, cách làm, có nhà ở để yên tâm lao động, sản xuất. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị, thắt chặt tình đoàn kết quân - dân mà lực lượng quân đội đang thực hiện tích cực mỗi ngày, góp phần nâng cao đời sống người dân tộc thiểu số, thắt chặt tình đoàn kết quân - dân, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân nơi địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm