Lòng hồ thủy điện sông Đà được phủ xanh bởi cánh đồng lúa khi mùa nước cạn. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Thị xã Mường Lay là nơi tụ thủy, hợp lưu của ba dòng chảy là sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Nơi đây vẫn được coi là thủ phủ, là trung tâm văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, với chứng tích là khu dinh thự của “vua Thái” Đèo Văn Long. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vùng đất này đã trải qua nhiều biến cố lớn trong lịch sử. Điển hình là trận lũ ống lịch sử 1990 đã tàn phá nặng nề vùng đất này, cuốn trôi nhiều công trình, nhà cửa, làng bản của đồng bào ở ven sông, suối. Năm 2004, những cư dân sinh sống trên mảnh đất này lại bắt đầu một cuộc "thiên di" lịch sử: Di dời lên cao hoặc đến những vùng đất khác để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Hiện nay, Mường Lay có những dãy phố nhà sàn nằm bên lòng hồ thủy điện yên bình và thơ mộng, tạo nên hình ảnh một thị xã độc đáo, đặc trưng “trên bến dưới thuyền”.
Tàu chở khách du lịch tham quan hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Điêu Chính Tới – TTXVN |
Những năm gần đây, nhiều du khách đã đến Mường Lay để trải nghiệm, khám phá những nét đẹp của lòng hồ thủy điện và nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Nhu cầu đi thuyền tham quan, du lịch ngắm cảnh trên lòng hồ thủy điện ngày càng cao, nhưng tại thị xã mới chỉ có gia đình ông Lù Văn Túng ở phường Sông Đà, thị xã Mường Lay có thuyền chở khách du lịch. Nắm bắt nhu cầu của du khách, ông Túng đã đầu tư thuyền để chở khách tham quan lòng hồ thủy điện. Từ công việc chở khách tham quan đã mang lại cho ông nguồn thu đáng kể.
Ông Lù Văn Túng cho biết: “Tôi thấy tiềm năng du lịch trên lòng hồ thủy điện ở Mường Lay là rất lớn. Tôi thường chở khách tham quan lòng hồ thị xã và đi xa hơn là sang Nậm Nhùn (Lai Châu) và Quỳnh Nhai (Sơn La). Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một con thuyền của gia đình tôi hoạt động vận chuyển khách tham quan, du lịch lòng hồ trong khi nhu cầu của khách còn rất lớn”.
Một góc hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Điêu Chính Tới – TTXVN |
Bản du lịch sinh thái ven hồ xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai, Sơn La). Ảnh: Điêu Chính Tới – TTXVN |
Ngoài lợi thế du lịch từ lòng hồ thủy điện, đời sống văn hóa, phong tục tập quán của người dân thị xã Mường Lay cũng vô cùng đặc sắc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống từ lâu đời, trong đó có nghệ thuật Xòe Thái và lễ hội Kin Pang Then, hai nét sinh hoạt độc đáo đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong năm 2016. Phát huy những giá trị văn hóa để phát triển du lịch cũng là một thế mạnh của địa phương.
Nghệ nhân Vàng Văn Thức, phường Na Lay, thị xã Mường Lay là người đã gắn bó nhiều năm với nghệ thuật hát Then. Ông luôn mong muốn nghệ thuật hát Then đặc trưng của đồng bào Thái Mường Lay được nhiều người biết đến. Ông Thức cho rằng, lễ hội Kin Pang Then là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Mường Lay. Đây cũng là một nét đẹp mà mỗi du khách khi đến Mường Lay đều muốn khám phá. Bởi vậy, lễ hội Kin Pang Then cũng như nghệ thuật Xòe Thái cần được mở rộng hơn để quảng bá hình ảnh thị xã Mường Lay đến với bè bạn trong nước và quốc tế.
Hiện nay, thị xã Mường Lay đang định hướng tiềm năng phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện; từ đó, mở ra các tiềm năng phát triển du lịch trên lòng hồ như: Tham quan các thủy điện; các mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; các bản văn hóa đặc trưng của người dân tộc Thái với những nét văn hóa truyền thống; các điểm di tích lịch sử như dinh thự Đèo Văn Long, bia Lê Lợi, di tích Pú Vạp…
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Mường Lay Trần Thị Hương Giang cho biết, thị xã đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên khảo sát và chuẩn bị xây dựng tuyến du lịch đường sông theo cung đường Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu với các hoạt động như: Tham quan các nhà máy thủy điện; du lịch sông nước gắn với các hoạt động câu cá trên lòng hồ, thăm các mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên lòng hồ. Bên cạnh đó, dọc theo lòng hồ, du khách có thể dừng chân thăm các bản văn hóa đặc trưng với các tour du lịch phát triển cộng đồng, thưởng thức các món ăn và nét văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Chính quyền thị xã Mường Lay cũng đã phục dựng lễ hội Đua thuyền đuôi én vào ngày đầu tiên của năm mới, thu hút hàng nghìn lượt khách đến Mường Lay.
Lễ hội đua thuyền đuôi én thị xã Mường Lay lần thứ nhất trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Quốc Hùng – TTXVN |
Theo bà Trần Thị Hương Giang, ngày 1/1/2018, thị xã Mường Lay sẽ tiếp tục tổ chức " Lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ 4". Đây cũng là một trong những hoạt động để phát triển du lịch văn hóa vùng sông nước và văn hóa du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc gắn với sông nước.
Lễ hội đua thuyền đuôi én thị xã Mường Lay lần thứ nhất trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Quốc Hùng – TTXVN |
Theo ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, để phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Mường Lay, chính quyền địa phương đang tập trung khôi phục các di tích lịch sử trên địa bàn, đặc biệt là khu nghỉ mát sinh thái Pú Vạp đã có hơn 100 năm trên đỉnh núi cao hơn 1.000m so với mực nước biển; phát triển du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện, du lịch cộng đồng làng bản mang bản sắc văn hóa dân tộc; khai thác các danh lam thắng cảnh như hang động; rà soát, khôi phục, bảo tồn các nét văn hóa vật thể và phi vật thể.
Cũng theo lãnh đạo UBND thị xã Mường Lay, trong thời gian tới, thị xã sẽ phối hợp và làm tốt việc phát triển du lịch sinh thái lòng hồ với các địa phương của tỉnh Lai Châu, Sơn La. Bên cạnh đó, thị xã khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào xây dựng các dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng để phục vụ du khách; đồng thời phát triển các phương tiện vận tải đường thủy để vận chuyển hàng hóa cũng như phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó xây dựng đa dạng các mô hình văn hóa văn nghệ, ẩm thực để thu hút du khách đến Mường Lay.
Xuân Tư – Văn Dũng