Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer

Đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ ở địa phương.

Chiếm hơn 13% tổng số dân ở Kiên Giang (đứng thứ ba trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh) với khoảng 56.400 hộ, 238.000 nhân khẩu, đồng bào Khmer đã hun đúc, sáng tạo nên một kho tàng văn hóa vô cùng đặc sắc. Những ngôi chùa Khmer chính là sự kết tinh từ nghệ thuật truyền thống và sáng tạo của dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc, ấn tượng. Chùa chính là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc của đồng bào Khmer.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ảnh 1Vẻ đẹp kiến trúc của chùa Xà Xía. Ảnh : Hồng Đạt - TTXVN

Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 76 chùa Khmer, trong đó có nhiều chùa được trùng tu, tôn tạo khang trang, lưu giữ được lối kiến trúc độc đáo. Chùa Khmer không chỉ là nơi thực hiện nghi lễ của Phật giáo mà còn là nơi tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với việc trùng tu, tôn tạo các ngôi chùa Khmer, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ngày càng được bảo vệ tốt hơn và được đầu tư nhiều hơn về nhân lực, vật lực để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống vốn có của đồng bào Khmer.

Bên cạnh đó, nhiều lễ hội truyền thống và văn hóa dân gian được khôi phục, duy trì tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa, thể thao và tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào Khmer. Tiêu biểu lễ hội Ók Om Bók của người Khmer được nâng lên thành Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang, mỗi năm thu hút trên 200 ngàn lượt người tham gia.

Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ 500 hiện vật văn hóa Khmer. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ Khmer từ cơ sở đến tỉnh góp phần giữ gìn, phát huy và bảo tồn nét văn hóa của đồng bào Khmer qua các bài hát, điệu múa, nhạc cụ và kỹ năng trình diễn; khuyến khích xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ trong đồng bào.

Tỉnh Kiên Giang hiện có một Đoàn Nghệ thuật Khmer, mỗi năm phục vụ trên 40 suất, thu hút khoảng 40 ngàn lượt người xem; có hơn 10 Đội văn nghệ Khmer hoạt động hiệu quả. Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh một số huyện, thành phố duy trì đều đặn các chương trình tiếng Khmer hàng ngày.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc Khmer, UBND tỉnh phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025. Đây là việc làm cần thiết, vừa mang tính cấp bách vừa có tính chất lâu dài nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Đề án điều tra, khảo sát, nắm bắt thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Khmer hiện nay và nhu cầu của công chúng trong việc hưởng thụ giá trị các loại hình nghệ thuật này; sưu tầm các bài bản, kịch bản, thông tin để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang.

Tỉnh lập hồ sơ khoa học về 4 loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang, gồm nghệ thuật múa truyền thống Khmer, lễ hội Ók Om Bók, nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc ngũ âm Khmer, văn học dân gian Khmer đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Xây dựng đội văn nghệ quần chúng Khmer làm nòng cốt phát triển phong trào luyện tập, biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer tại những huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ảnh 2 Các tiết mục văn nghệ Khmer bên khán đài sông Cái Lớn phục vụ người dân tham gia lễ hội. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Kiên Giang chọn một số lễ hội tiêu biểu của đồng bào Khmer để tổ chức biểu diễn phục vụ du khách, từng bước xây dựng nghệ thuật truyền thống Khmer thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần quảng bá hình ảnh tươi đẹp về đất và người Kiên Giang.

Quá trình thực hiện đề án, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì cùng các đơn vị mở các lớp truyền dạy về nghệ thuật truyền thống Khmer để tạo ra đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công kế thừa; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân vùng đồng bào dân tộc Khmer trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang…

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm