Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong buổi tổng kết 4 tháng cao điểm (từ tháng 10/2015 - 2/2016) vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong nông nghiệp, triển khai năm VSATTP 2016, diễn ra hôm qua 3/3 tại Hà Nội. Thực phẩm an toàn ở đâu? Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, qua kiểm tra cho thấy, có tới 90% sản phẩm nông nghiệp là an toàn, tuy nhiên người dân vẫn lúng túng khi chọn thực phẩm sạch. Đặc biệt là người dân ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi chiếm tới 30% dân số cả nước (gần 30 triệu dân).
|
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, một mặt vẫn phải ngăn chặn xử lý những vi phạm về VSATTP, nhưng mặt khác phải chỉ ra được những cơ sở sản xuất thực phẩm sạch, công việc này được làm rất yếu ớt trong thời gian qua. Phải bắt tay ngay từ sau cuộc họp này, làm quyết liệt hơn. Đặc biệt là tại các đô thị. Đây sẽ là một trong những nội dung trọng tâm trong năm nay về VSATTP. Về việc triển khai các chuỗi thực phẩm sạch, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và Thủy sản cho biết, đã có 35 tỉnh/thành phố báo cáo xây dựng được 280 chuỗi cung ứng nông, thủy sản an toàn, bày bán tại 329 cơ sở phân phối thực phẩm, trong đó có 65 cơ sở (chiếm 20%) được kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm rau, thủy sản, gạo, thịt lợn an toàn được xác nhận và công khai tại nơi bày bán. Tuy nhiên, theo ông Hào, việc về xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm đến người tiêu dùng chưa quy định trong Luật ATTP nên một số địa phương chưa mạnh dạn triển khai và mới chỉ là hoạt động triển khai thí điểm trong đợt cao điểm. Ngoài ra, “để xác nhận sản phẩm an toàn, cần nhận diện và kiểm chứng tất cả các công đoạn sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, nhưng thực tế chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu hoặc cần nhiều thời gian xác minh, kiểm chứng trên thực tế“, ông Hào cho biết thêm. Thực tế, theo ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, muốn tạo ra thực phẩm sạch phải có các chuỗi theo quy định VietGap, nhưng việc bắt các cơ sở phải “chạy điền kinh” ngay lập tức, khiến họ không thể đáp ứng được. Vì vậy, chúng ta phải có những quy định phù hợp hơn, ví dụ, ở mức nào là an toàn, mức nào là chất lượng cao. Còn hiện nay, chi phí để làm VietGap tốn kém nên nhiều người chưa mặn mà. Về vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ rà soát lại quy trình VietGap. Đơn giản hóa các thủ tục, giúp các doanh nghiệp có chuỗi có thể chỉ cần kiểm tra, chứng nhận là được. Ngoài ra, trong năm nay cũng sẽ điều tra xã hội, lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng. Xử lý tận gốc vấn nạn sử dụng kháng sinh Trong 4 tháng mở đợt cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ tháng 10/2015 tới tháng 2/2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT cùng với C49 (Bộ Công an), Bộ Y tế, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra, phát hiện 326/6.166 (5,3%) mẫu rau, quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc BVTV vượt giới hạn cho phép (9 tháng đầu năm 2015 là 10,3%); 106/5.433 (2%) mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép (9 tháng đầu năm 2015 là 7,6%). Tuy nhiên, vẫn có tới 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu về vi sinh vật (chiếm tới 15,4%), giảm không đáng kể so với con số 16% trong 9 tháng đầu năm 2015. Bên cạnh đó, sau khi Bộ NN&PTNT mở đợt cao điểm kiểm tra các sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc, đến nay, tình hình đã giảm hẳn nhưng vẫn còn vấn đề khá nhức nhối là vấn nạn sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản. Các tổ chức quốc tế đã khuyến cáo, người ăn nhiều thực phẩm chứa kháng sinh sẽ bị nhiễm kháng sinh, nhờn thuốc dẫn tới chữa bệnh khó khăn hơn. Do vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngoài việc chấn chỉnh hoạt động của các lò mổ, nơi dễ lây nhiễm vi sinh vật, thì phải ngăn chặn tận gốc tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản. Truy xuất từ lò mổ tới cơ sở chăn nuôi, tới nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, các cơ sở nhập khẩu kháng sinh. Như vậy mới giải quyết được tận gốc vấn đề này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, phải tăng cường giám sát thị trường trong nước, không để người dân ăn phải cá ướp urê, thịt chứa kháng sinh, chất cấm… duy trì đường dây nóng để người dân phản ánh, đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời những người phát hiện ra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái pháp luật.