Ông Tòng Văn Nọi sinh ra và lớn lên tại bản Ót, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) trong một gia đình nhà nông, có đông anh chị em. Cuộc sống vốn khó khăn khi cả nhà gần chục miệng ăn chỉ trông cậy vào nương ngô, sắn. Lo cho bố mẹ già và các em nhỏ, đến năm 25 tuổi, ông mới lập gia đình riêng. Ông Nọi chia sẻ, khi mới đi làm, ông công tác tại UBND xã nhưng sau này gánh nặng phải lo cái ăn, cái mặc cho gia đình nên xin nghỉ. Đúng dịp đó, xã Chiềng Ban được Công ty cà phê và cây ăn quả Sơn La hỗ trợ chuyển đổi sang cây cà phê. Sau nhiều đêm suy nghĩ, với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, ông mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô và sắn sang trồng cây cà phê. Từ diện tích ban đầu gần 0,5ha, đến nay, gia đình ông đã có hơn 5ha cà phê. Hiện, diện tích cà phê của gia đình ông cho năng suất khoảng 100 tấn quả tươi/năm.
Ông Nọi chăm sóc cà phê. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Theo ông Nọi, cũng như nhiều gia đình chuyển đổi cây trồng khi đó, ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng và chăm sóc cây cà phê. Có những năm thời tiết nhiệt độ xuống thấp, không khí ẩm nhiều nên xuất hiện sương muối dày đặc, dẫn đến tình trạng đóng băng làm cho lá và hoa trên cây cà phê bị cháy. Gia đình gần như mất trắng vụ cà phê năm đó. Không nản lòng, ông đã lặn lội đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trồng cây cà phê. Cùng với sự phát triển của thị trường, ông Nọi đã chủ động chuyển hướng sản xuất cây cà phê của gia đình, từ trồng cây lấy quả tươi sang kết hợp chế biến quả khô. Ông vay vốn ngân hàng để đầu tư máy xát và lò sấy cà phê, bảo đảm xát khối lượng lớn không bị chày hạt cà phê, sau khi sấy hạt cà phê vàng đều. Ngoài thu hoạch cà phê tươi, sản xuất cà phê khô, năm 2017, gia đình ông còn thu mua trên 300 tấn cà phê tươi và 200 tấn cà phê khô cho người dân trên địa bàn xã. Hướng tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững, ông Nọi đang phối hợp với Viện Khoa học môi trường (Tổng cục Môi Trường) thí điểm mô hình xử lý nước thải cà phê cho kết quả khả quan. Nước thải không gây mùi khó chịu, lại được tái sử dụng để tưới cho cây trồng. Để tận dụng nguồn nước, sắp tới ông Nọi có kế hoạch xen canh cây ăn quả như thanh long, nhãn... vào diện tích trồng cây cà phê. Không chỉ lo làm kinh tế cho gia đình, ông Nọi còn tích cực tham gia chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc, thu hái cà phê cho bà con. Đặc biệt, ông hướng dẫn bà con phương pháp ủ vỏ cà phê thành phân hữu cơ giúp giảm bớt lượng phân hóa học cho đất, vừa tiết kiệm vừa bảo đảm năng suất cây trồng. Là một trong những hộ được gia đình ông Nọi giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, chị Lèo Thị Chiêng ở bản Ót chia sẻ:" Trước đây, gia đình rất muốn trồng cây cà phê để cải thiện cuộc sống nhưng không có tiền. Nhờ được ông Nọi động viên và tạo điều kiện hỗ trợ cây giống nên hai vợ chồng đã quyết tâm học hỏi để trồng cây cà phê. Đầu vụ, hai vợ chồng lại mượn trước ông phân bón; đến cuối vụ, gia đình bán được cà phê lại trả cho ông, không phải lo vay tiền đi mua. Dần dần, cây cà phê phát triển, cho năng suất cao nên gia đình có của ăn của để và tiền lo cho các con ăn học". Ông Tòng Văn Kiêm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chiềng Ban đánh giá, ông Nọi với mô hình phát triển cà phê là tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi; là điển hình tuổi cao chí càng cao, phát huy vai trò người cao tuổi trong sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Mô hình phát triển cà phê của ông Nọi đã giúp gia đình vươn lên trở thành hộ kinh tế khá; đồng thời tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong vùng. Tháng 5/2018, ông Nọi được Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Sơn La khen thưởng danh hiệu Người cao tuổi làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012 -2017.
Diệp Anh