Ông Tạ Văn Chung thành công với mô hình trồng sen trên nền đất lúa

Ông Tạ Văn Chung thành công với mô hình trồng sen trên nền đất lúa
Ông Tạ Văn Chung bên ruộng sen gia đình. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Ông Tạ Văn Chung bên ruộng sen gia đình. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Theo ông Tạ Văn Chung, gia đình có 18 ha sản xuất lúa hai vụ/năm nhưng ở vùng Bình Sơn năm nào lũ cũng về làm cho sản xuất lúa, nhất là vụ hè thu gặp nhiều khó khăn. Khoảng 5 năm trở lại đây, không năm nào làm lúa vụ hè thu có lãi, có năm còn lỗ cả trăm triệu đồng. Vì vậy, ông Chung tìm hướng đi mới cho phù hợp với vùng đất luôn chịu ngập lũ là trồng sen lấy gương.

Để chuyển từ đất trồng lúa sang trồng sen, ông Chung học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người trồng trước ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, sau đó về quê đầu tư làm bờ bao cao ráo để dự trữ nước, chọn giống tốt nhằm tránh rủi ro. Bước đầu, ông đầu tư trồng 7 ha, sau 4 tháng trồng cho thu hoạch. Tính trung bình mỗi 1 ha sen thu về 5 tấn gương, với giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng.

Sau khi trồng 7 ha đầu tiên, thấy sen lên đều, ít hao hụt và khả năng thành công cao, ông Chung tiếp tục đầu tư trồng thêm 11 ha. Hiện nay, diện tích sen đã trồng phát triển tốt, trong tháng 1/2018 sẽ cho thu hoạch.

Ông Tạ Văn Chung bên ruộng sen gia đình. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
 Ông Tạ Văn Chung bên ruộng sen gia đình. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Ông Chung cho hay, trồng sen bước đầu cho thấy một số lợi ích như ít rủi ro, đầu ra ổn định, thu nhập cao hơn trồng lúa và ít công chăm sóc, giúp cải tạo được nguồn nước nhiễm phèn. Lợi cho nông dân hơn hết là sau khi đầu tư ban đầu, đến 3 năm sau mới đầu tư trồng mới lại và mỗi năm cho thu hoạch hai đợt.

Ông Phạm Văn Tài, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bình Sơn (huyện Hòn Đất) cho biết, trồng sen là mô hình mới ở địa bàn xã. Từ hiệu quả bước đầu của hộ ông Tạ Văn Chung, xã Bình Sơn xem xét phương án quy hoạch lại một số nơi bị ảnh hưởng của lũ để chuyển sang trồng sen. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền, vận động những bà con có điều kiện chuyển sang trồng sen. Về lâu dài, xã Bình Sơn kiến nghị huyện Hòn Đất có chính sách hỗ trợ cho nông dân có nhu cầu trồng sen vay vốn để đầu tư, từng bước giúp nông dân xóa nghèo.

Ông Diệp Trung Thảo, Bí thư Chi bộ,Trưởng ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn cho biết, trên địa bàn mới có hộ ông Chung thực hiện mô hình này và cho hiệu quả bước đầu khá cao. Việc chuyển đổi sang trồng sen không chỉ giúp ông Chung có thu nhập mà nhiều người dân trong ấp còn có việc làm. Đến kỳ thu hoạch gương sen, khoảng15 lao động tại địa phương có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày.

 
Lê Sen

Có thể bạn quan tâm