Cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, mà chủ lực là cam Nà Mòn đã mang lại cho gia đình ông Cầm Duy Vinh, bản Hua Mường, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp (Sơn La) hướng đi mới, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng hàng hóa, chất lượng.
Về tên gọi cam Nà Mòn, ông Cầm Duy Vinh chia sẻ: Cây cam được người dân bản Nà Mòn, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, trồng cách đây khoảng 30 năm nên không rõ giống này có nguồn gốc từ đâu và ai đã mang về trồng. Chỉ biết rằng, cây cam được trồng đầu tiên ở bản Nà Mòn, vì thế người dân gọi là cam Nà Mòn.
Cũng theo ông Cầm Duy Vinh, đầu những năm 2000, ở bản Nà Mòn có những cây cam cổ thụ, mặc dù quả to, mọng nước, thơm ngon, mẫu mã đẹp nhưng do giá bán thấp nên người dân không đầu tư chăm sóc mà để phát triển tự nhiên. Do vậy, số lượng cây cam càng ngày càng ít đi và có nguy cơ tuyệt chủng. Ông luôn trăn trở làm sao để bảo tồn, duy trì và phát triển nhân rộng giống cam này.
Trước đây, ông Cầm Duy Vinh là cán bộ khuyến nông của huyện Sốp Cộp, nên có điều kiện đi tham quan các mô hình kinh tế nông nghiệp ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Sơn La. Ông được tận mắt chứng kiến những vườn cây ăn quả cho thu nhập từ hàng trăm đến cả tỷ đồng mỗi năm. Những mô hình này đã giúp ông có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và những cách làm hay, sáng tạo đều được ông ghi chép lại cẩn thận, tỉ mỉ.
Vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, tỉnh Sơn La ban hành chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Hưởng ứng chủ trương đó, gia đình ông Cầm Duy Vinh tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Với những kiến thức, kinh nghiệm có được, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực hiện chiết cành từ những cây cam Nà Mòn cổ thụ. Nhờ đó, diện tích cam Nam Mòn được mở rộng qua các năm.
Hiện nay, gia đình ông có 700 cây cam Nà Mòn, trong đó hơn 100 cây đã cho thu hoạch. Từ đầu năm 2020 đến nay, gia đình ông xuất bán được trên 3 tấn quả, với giá 30.000 đồng/kg, thu được khoảng 100 triệu đồng. So với các loại cam khác, cam Nà Mòn rất ít sâu bệnh, quả to, nặng từ 3-4 lạng trở lên và đặc biệt có những quả nặng 7–8 lạng, vị thơm ngon, ngọt, mọng nước. Khi cây cam Nà Mòn ở độ tuổi từ 7–8 năm, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, điều kiện khí hậu thuận lợi, trung bình mỗi cây cho thu từ 1,5-2 tạ quả/năm. Như vậy, với 700 gốc cam mà gia đình ông Cầm Duy Vinh hiện có, khoảng 2-3 năm nữa, chỉ cần một cây cho 50 kg quả, mỗi năm sẽ thu khoảng 35 tấn quả và doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.
Đầu năm 2020, hưởng ứng chủ trương làm nông nghiệp sạch, an toàn của tỉnh và huyện Sốp Cộp, ông Cầm Duy Vinh đã tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp Nậm Ban (xã Sốp Cộp). Gia đình ông được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hội Nông dân huyện, xã tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi áp dụng phương thức thâm canh theo quy trình VietGAP, gia đình ông chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục và dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép để chăm sóc cây. Nhờ vậy, sản phẩm cam của gia đình ông được khách hàng biết đến nhiều hơn và chất lượng, giá bán ngày một cao. Sản lượng cam hiện nay của gia đình ông không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ngoài gia đình ông Cầm Duy Vinh, hiện nay, nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn huyện Sốp Cộp cũng đã xây dựng được mô hình vườn cây ăn quả có giá trị. Sự thành công của gia đình ông Cầm Văn Vinh đã mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần mở rộng diện tích cây trồng có giá trị trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Với cây cam Nà Mòn, từ số ít cây tự nhiên ban đầu, đến nay xã Mường Và nói riêng, huyện Sốp Cộp nói chung đã xây dựng được thương hiệu cam Nà Mòn, với diện tích hàng trăm ha. Nhiều gia đình đã có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Nhận thấy việc cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả đã tạo ra hướng phát triển kinh tế cho nông dân. Trong thời gian tới, huyện Sốp Cộp sẽ tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Quang Quyết