![]() |
Khó khăn hơn bản Mường Toong 5 là bản Mường Toong 4, cả bản có 17 hộ được chuyển từ bản Cà Là Pá về. Đến nay, người dân vẫn chưa được giao đất canh tác. Ông Vừ Ghe Hợ, Trưởng bản Mường Toong 4 cho biết: Nhà cửa khá khang trang, nhưng đất sản xuất chưa có, người dân không trồng được lúa, ngô. Thanh niên trai tráng còn đi làm thuê kiếm tiền được, chứ người lớn tuổi, phụ nữ không có đất sản xuất thì biết lấy gì mà ăn.
![]() Các hộ về nơi ở mới đã có chỗ ở ổn định. |
So với mục tiêu của Đề án 79, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Điện Biên vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt, một số chỉ tiêu đạt kết quả thấp như: Di chuyển, bố trí sắp xếp dân cư để thành lập các bản mới và xen ghép, xây dựng cơ sở hạ tầng tại một số điểm bản.
Theo ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 79, việc triển khai Đề án 79 chậm là do nhiều nguyên nhân như: Thiếu diện tích đất để phục vụ sản xuất, thiếu nguồn nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất; vướng mắc một số quy định mới của Luật Đất đai, Luật Xây dựng; một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và phát triển sản xuất chưa được quy định rõ; tình trạng di cư tự do...
Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất để thực hiện việc bố trí đất ở, đất sản xuất, đặc biệt là chia đất sản xuất cho các hộ dân tại các điểm bản thành lập mới; đồng thời bố trí kịp thời các chế độ, chính sách cho các hộ dân đã đến ở các điểm đã được quy hoạch; kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh Đề án 79, trong đó có điều chỉnh bổ sung kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đời sống, sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng.