Với 2ha nuôi mặt nước, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Nhất, phường 12, thành phố Vũng Tàu thu lời khoảng 2 tỷ đồng từ nuôi hàu Thái Bình Dương. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Trước năm 2014, tại khu vực sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, các hộ nuôi hàu chỉ sử dụng con giống tự nhiên, được gọi là hàu bản địa. Hàng năm cứ vào khoảng tháng 1, người nuôi sử dụng các vật bám như tấm fibro xi măng, lốp xe thả xuống nước để hàu giống tự nhiên bám. Từ khi nhìn thấy có hàu bám đến khi thu hoạch khoảng 12-18 tháng. Theo thời gian, môi trường bị ô nhiễm nên mật độ hàu bám không cao, thậm chí không thấy hàu bám vào giá thể. Biết việc nuôi hàu Thái Bình Dương sử dụng con giống nhân tạo đang phát triển mạnh và có hiệu quả kinh tế ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Một số cơ sở sản xuất giống thủy sản nằm trên đường Chi Lăng, phường 12, thành phố Vũng Tàu đã nghiên cứu chuyển sang sản xuất hàu giống và thả nuôi thực nghiệm trên các bè cá.
Kiểm tra hàu trước khi mang tiêu thụ . Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Qua những lần khảo sát, nhận thấy việc nuôi hàu Thái Bình Dương trên các cửa sông thuộc khu vực xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu hiệu quả hơn so với hàu bản địa. Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ứng dụng xây dựng mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương, quy mô 2.000 dây hàu giống tại bè của chị Vũ Thị Giang, khu Gò Găng, thôn 9, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Sau 7 tháng nuôi tỷ lệ hàu sống đạt 60%, trọng lượng trung bình 20 con/kg, sản lượng 4.100 kg. Kết thúc mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức buổi hội thảo đầu bờ về kỹ thuật nuôi hàu Thái Bình Dương cho những hộ nuôi trồng hải sản trên địa bàn xã Long Sơn và các vùng lân cận. Qua buổi hội thảo và tham quan thực tế tại mô hình cho thấy hiệu quả rõ rệt, một số hộ ứng dụng kết hợp nuôi hàu trên bè cá, một số hộ bắt đầu bỏ dần mô hình nuôi hàu truyền thống chuyển sang đóng bè nuôi hàu Thái Bình Dương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nuôi hàu Thái Bình Dương phát triển mạnh không chỉ ở vùng nuôi sông Chà Và, vàm Ông Tố, sông Gò Găng thuộc xã Long Sơn mà phát triển qua các phường 12 và phường Rạch Dừa (thành phố Vũng Tàu); xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền); các phường Phước Hòa, phường Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ).
Con giống được sản xuất tại địa phương có chất lượng tốt, thời gian nuôi ngắn, tỷ lệ sống cao, không phải đầu tư thức ăn, phương pháp nuôi an toàn, thân thiện với môi trường và thị trường đầu ra rất ổn định.Ảnh : Hoàng Thị Nhị |
Ông Nguyễn Văn Nhất, ngụ số 163 đường Phước Thắng, phường 12, thành phố Vũng Tàu có thâm niên 7 năm nuôi hàu bằng giá thể vỏ hàu và 5 năm ươm được giống hàu Thái Bình Dương. Hiện nay, gia đình ông Nhất có 1 ha mặt nước tại một nhánh sông của con sông Cầu Cửa Lấp, phường 12, thành phố Vũng Tàu chuyên nuôi hàu Thái Bình Dương, với 100% giá thể đều bằng chính vỏ hàu. Ông Nhất cho biết, nuôi hàu bằng giá thể vỏ hàu an toàn, thân thiện với môi trường nước và chất lượng con hàu được đảm bảo tuyệt đối. Vỏ hàu (chỉ sử dụng vỏ hàu đá) sẽ được ông thu mua lại từ người dân với 35.000 đồng/100 miếng, khi mua về sẽ được đục lỗ, xâu lại thành từng dây, sau đó sẽ được xịt rửa thật sạch sẽ, khử trùng, khơi phô sau đó được đưa vào bể đang ép giống hàu để hàu giống sẽ bám vào giá thể này, sau một tháng là có thể xuất bán để nuôi ngoài thiên nhiên. Với 1 ha chuyên nuôi hàu Thái Bình Dương, bằng hình thức nuôi gối đầu nên tháng nào gia đình ông Nhất cũng có hàu thương phẩm để bán, với trung bình gần 17 tấn/tháng, giá bán trung bình từ 20-25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Nhất còn lời khoảng hơn 2 tỷ đồng. Ông Nhất chia sẻ thêm, việc nuôi hàu Thái Bình Dương bằng chính giá thể vỏ hàu sau khi hàu được thu hoạch cũng không lo lắng về vấn đề môi trường, bởi sau một thời gian số vỏ hàu đã thu hoạch chất đống bỏ ngoài trời cũng sẽ phân hủy dần dần và sẽ không gây ô nhiễm môi trường như lốp xe và tấm fibro xi măng khó phân hủy, gây trầm tích trên các dòng sông. Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện toàn tỉnh có khoảng 120 hộ thả nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương, diện tích trung bình khoảng 2.000 m2/hộ, sản lượng hàu thương phẩm hàng năm của tỉnh đạt khoảng 2.000 tấn (loại 20-30 con/kg). Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở sản xuất hàu giống, mỗi năm cung cấp cho người nuôi hàu thương phẩm khoảng 10.000.000 giá thể có hàu giống bám. Mỗi vật bám có từ 30-50 cá thể hàu bám. Nguồn bố mẹ cho sinh sản hoàn toàn chủ động tại địa phương, kết hợp thêm nguồn bố mẹ ở Quảng Ninh, Nha Trang để tránh hiện tượng lai cận huyết.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 120 hộ thả nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương với diện tích trung bình khoảng 2.000m2/hộ, sản lượng hàng năm của đạt khoảng 2.000 tấn (loại 20-30con/kg). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Cũng như các loài nhuyễn thể khác, hàu Thái Bình Dương sử dụng thức ăn bằng phương pháp lọc góp phần làm sạch môi trường nước. Hàu Thái Bình Dương lớn nhanh, tỷ lệ thịt so với khối lượng vỏ cao hơn nhiều so với hàu cửa sông, thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả phù hợp.Nuôi hàu Thái Bình Dương treo trên bè đơn hoặc treo kết hợp trên bè nuôi cá, vốn đầu tư không nhiều, không phải cung cấp thức ăn. Có thể chia thả nuôi cuốn chiếu nhiều đợt, hàu thương phẩm thu hoạch quanh năm. Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, phát triển nuôi hàu Thái Bình Dương là hướng đi mới, giúp nhiều hộ dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương là mô hình còn nhiều tiềm năng phát triển, hình thức nuôi an toàn so với hàu bản địa. Bởi vậy, các nhà chuyên môn cần sớm có định hướng phát triển, quy hoạch vùng nuôi để giúp nghề nuôi hàu tỉnh nhà phát triển một cách hiệu quả, bền vững.
Hoàng Nhị