Xã biên giới Chà Nưa - Điểm sáng xây dựng nông thôn mới

Xã biên giới Chà Nưa - Điểm sáng xây dựng nông thôn mới
Nhiều ngôi nhà ở xã Chà Nưa đang được xây mới khang trang hơn. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN
Nhiều ngôi nhà ở xã Chà Nưa đang được xây mới khang trang hơn.
Ảnh: Văn Dũng – TTXVN
Chà Nưa có đường biên giới hơn 4 km tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào; diện tích tự nhiên hơn 10.000 ha, có 9 bản, gần 600 hộ dân với hơn 2.800 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc cùng sống xen nhau là dân tộc Thái, Mông, Kinh và Mường, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số với gần 85%. Để xây dựng chương trình nông thôn mới có hiệu quả, chính quyền xã đã thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, "gia đình 5 không, 3 sạch", vệ sinh môi trường nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Xã cũng đã tăng cường các hoạt động phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa giữa các bản, cải tạo ao, vườn, cổng đường ngõ xóm, tổ chức hướng dẫn quản lý vệ sinh môi trường, cải tạo hệ thống tiêu, thoát nước, cải tạo khôi phục các ao hồ sinh thái, trồng cây xanh nơi công cộng, xử lý rác thải. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như hội xuân, đại hội thể thao nhằm chống các thủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trong bản. Là xã biên giới, việc giữ vững quốc phòng an ninh là nhiệm vụ quan trọng, xác định rõ điều đó, những năm qua, chính quyền địa phương đều có kế hoạch tổ chức xây dựng hiệu quả các mô hình bảo vệ an nình, trật tự cơ sở. Làm tốt dân vận giúp người dân hiểu và chấp hành mọi chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần kiềm chế và giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giúp người dân ổn định sản xuất. Việc phát triển sản xuất nông nghiệp cũng luôn được chính quyền xã quan tâm, hàng năm xã đều có kế hoạch, giao chỉ tiêu đến các bản, tuyên truyền cho nhân dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất; đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, phát triển khai hoang diện tích lúa nước, khai hoang, làm ruộng bậc thang mở rộng diện tích lúa nước.
Mô hình chăn nuôi gà ở xã Chà Nưa được hỗ trợ vốn của nhà nước giúp bà con thoát nghèo. Ảnh: Văn Dũng –TTXVN
Mô hình chăn nuôi gà ở xã Chà Nưa được hỗ trợ vốn của nhà nước giúp bà con thoát nghèo. Ảnh: Văn Dũng –TTXVN
Từ năm 2014 đến năm 2018 xã Chà Nưa đã khai hoang làm 29,2 ha ruộng bậc thang, phục hóa 3,22 ha. Bên cạnh trồng trọt, các cán bộ xã, bản luôn vận động người dân xóa bỏ hình thức chăn nuôi gia súc theo kiểu tập quán thả rông, để chuyển sang phương pháp chăn nuôi có xây dựng chuồng trại và tích lũy thức ăn cho gia súc, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Năm 2018 tổng đàn gia súc của xã có hơn 4.000 con, gia cầm khoảng 17.000 con. Diện tích cây màu và các loại cây trồng khác được duy trì và phát triển. Hiện nay, xã Chà Nưa đang từng bước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng thương mại, dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Nghề tiểu thủ công và dịch vụ trên địa bàn xã tương đối phát triển, hiện tại cả xã đã có 19 hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, đặc biệt có 2 hộ sản xuất vật liệu xây dựng gạch không nung. Để thuận lợi trong việc giao thương đi lại, các tuyến đường giao thông đi lại ở xã cũng được bê tông hóa. Trong những năm gần dây xã đã tích cực vận động các nguồn lực từ vốn nhà nước, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông. Giai đoạn từ năm 2013 đên năm 2018, xã đã đầu tư xây dựng 7 tuyến đường nội bộ bản với tổng chiều dài hơn 5 km. Các trục đường chính từ xã đến trung tâm huyện đã được nhựa hóa 100%. Nhiều tuyến đường liên bản, liên thôn cũng được đầu tư xây dựng. Cho đến nay, hệ thống điện lưới quốc gia đã "phủ khắp" đến 8/9 bản, nguồn điện ổn định đã mang lại cuộc sống mới cho người dân, chất lượng cuộc sống được nâng cao rõ rệt, đặc biệt người dân đã nhanh chóng áp dụng những ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất để tăng năng suất. Hệ thống trường học được đầu tư xây dựng chuẩn hóa, phòng học tạm dần được thay thế bởi phòng học kiên cố, hiện xã có 3 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, xã đã đã chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 84 %, số lao động đã qua đào tạo là 37%. Về y tế, Chà Nưa có 1 trạm y tế hoạt động phục vụ khám chữa bệnh với 4 y sỹ, 1 hộ sinh, 1 dược sĩ, 9/9 bản đều có nhân viên y tế bản và 6/9 bản có cô đỡ thôn bản. Người dân hầu như tham gia bảo hiểm với tỷ lệ 99%.
Cảnh sắc bản Nà Sự, xã Chà Nưa trong sáng sớm. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Cảnh sắc bản Nà Sự, xã Chà Nưa trong sáng sớm. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Ông Thùng Văn Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn xã Chà Nưa có 4 dân tộc đang sinh sống, có 9 bản trong đó 8 bản nằm dọc trên quốc lộ 4H, thuận tiện cho việc đi lại, giao dịch tuyên truyền. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới đều có sự thống nhất từ các cấp chính quyền đến người dân. Nhiều người dân tình nguyện hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động, tiền mặt. Trong những năm gần đây chính quyền xã đã làm chủ đầu tư nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, mở các lớp huấn sản xuất nông nghiệp cho người dân, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân. Năm 2018  thu nhập bình quân đầu người là 22 triệu/năm. Người dân cũng đã dần ý thức, chăm chỉ lao động để thoát nghèo, nhiều năm qua nhiều hộ gia đình cũng đã tự viết đơn xin thoát nghèo, trong năm 2017 và 2018 đã có gần 60 hộ làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Chị Lò Thị Sóng, ở bản Nà Sự 1, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ cho biết, trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, được nhà nước hỗ trợ thóc giống, con dê, con bò để phát triển sản xuất, tạo sinh kế. Từ cơ sở đó gia đình đã cố gắng lao động sản xuất, mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi. Kinh tế gia đình cũng dần ổn định, vì vậy, chị đã viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, cố gắng trở thành hộ khá ở địa phương. Chà Nưa cũng có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp được nhà nước quan tâm, đầu tư giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu; trong đó tiêu biểu có mô hình chăn nuôi gà được xã Chà Nưa xây dựng làm mô hình điểm trên cơ sở nhân giống, phát triển đàn. Mô hình được giao cho nhiều hộ dân cùng chăm sóc. Chị Lành Thị Chiêng, ở bản Nà Sự 1, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ chia sẻ, người dân ở đây rất vui mừng, phấn khởi khi được nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà. Mô hình này là cơ hội để mọi thành viên trong hợp tác xã có thể học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, tìm ra nguồn giống tốt hiệu quả để nhân rộng ra trên địa bàn. Đặc biệt, mô hình đã giải quyết phần nào công ăn việc làm cho người dân khi chưa có đủ vốn, từ đó những hộ nghèo có thể tự phát triển mô hình cho riêng mình để tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Bắt đầu xây dựng nông thôn mới từ năm 2013 với điểm xuất phát mới đạt được là 5 tiêu chí, sau 5 năm, xã Chà Nưa đã thực hiện hoàn thành 18/19 tiêu chí. Để có được thành quả này, trong những năm qua từ cán bộ chính quyền đến người dân đã luôn chung sức đồng lòng, đoàn kết, cùng nhau lao động sản xuất, cố gắng đạt các chỉ tiêu mà chương trình nông thôn mới đề ra. Đặc biệt thành công nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Chà Nưa đó là người dân đã chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, chung sức xây dựng nông thôn mới, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Văn Dũng

Có thể bạn quan tâm