Nông dân Vị Xuyên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nông dân Vị Xuyên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Với mức thu nhập cao hơn hàng chục lần so với làm nông nghiệp truyền thống, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp nhiều hộ gia đình ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Sản xuất nông nghiệp truyền thống đang được thay thế bằng việc áp dụng công nghệ và theo chuỗi giá trị hàng hóa, từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Người làm nông nghiệp ở Vị Xuyên đã tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu gặt hái thành công, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong những năm tới.

Nông dân Vị Xuyên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 1Ông Đoàn Công Oánh (thôn Tân Đức, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) chăm sóc vườn cà chua giống Nhật Bản được trồng trong nhà lưới của gia đình. Ảnh: baohagiang.vn

Trang trại của gia đình ông Đoàn Công Oánh, ở thôn Tân Đức, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, có 4.000m2 trồng dưa lưới và rau các loại trong nhà màng mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lại được khoảng 600 triệu đồng/năm.

Ngắm nhìn những trái dưa Hoàng Kim đến thời kỳ thu hoạch, ông Oánh vui vẻ cho biết, dưa chín đến đâu bán hết đến đó, chủ yếu bán cho những mối quen biết, hiện nguồn cung không đủ cầu. Hết vụ dưa, gia đình lại tập trung trồng rau các loại. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để phát triển sản xuất.

Chia sẻ về bí quyết trồng dưa mang lại cuộc sống khá giả cho gia đình, ông Oánh tiết lộ, nhờ cách trồng dưa lưới trên giá thể với đất xen nhau và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mà vụ nào thắng vụ đó. Trồng dưa lưới dưới đất chi phí thấp hơn, năng suất cao hơn so với trồng trên giá thể nhưng lại rủi ro cao.

Với hơn 8.000 gốc dưa trên diện tích 4.000m2, trung bình mỗi gốc cho 1,2 kg quả, vụ dưa này gia đình dự kiến thu hoạt khoảng 10 tấn dưa, giá bán tại vườn 35.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 350 triệu đồng/vụ. Dưa lưới từ khi trồng đến khi cho thu hoạch là 70 ngày.

“Nếu trồng dưa liên tục dưới đất, các vụ sau cây dưa rất dễ bị bệnh, vì sau mỗi vụ, đất sẽ chứa rất nhiều mầm bệnh. Do vậy, sau mỗi vụ mà lại tiếp tục trồng trên đất cũ dưa dễ bị bệnh và chết hàng loạt. Đặc biệt, loại dưa vàng hay bị bệnh bọ trĩ, phấn trắng, nấm… nên phải kiểm tra thường xuyên, nếu có hiện tượng phải xử lý ngay, để nặng rất có thể vườn dưa sẽ mất trắng” – ông Oánh chi sẻ.

Tương tự, gia đình ông Thèn Văn Sồ, thôn Lũng Buông, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên đã mạnh dạn trồng 200 trụ thanh long ruột đỏ từ năm 2018, đến nay gia đình có 1.200 trụ thanh long đang cho thu hoạch. Việc áp dụng khoa học – công nghệ vào quá trình thâm canh như: sử dụng nguồn giống tốt, cho thanh long leo giàn, sử dụng phân hữu cơ và hệ thống tưới nhỏ giọt… nên cho năng suất cao. 1.200 trụ thanh long, mỗi năm mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Ngoài ra, huyện Vị Xuyên còn có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả như: gia đình ông Nguyễn Văn Việt, xã Đạo Đức, với diện tích nhà lưới gần 1.000m2, trồng hoa các loại, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; đoàn viên Nguyễn Xuân Tiến, xã Phong Quang với hơn 2.000m2 nhà lưới, thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm; hộ anh Tạ Văn Hà, thị trấn Việt Lâm có hơn 300m2, chủ yếu ươm trồng các loại cây giống, thu nhập trên 130 triệu đồng/năm…

Cùng với sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể, huyện Vị Xuyên luôn đồng hành cùng người nông dân trong việc hướng dẫn, chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp gắn với xúc tiến giới thiệu sản phẩm; phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.

Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên cho biết, Đại hội Đảng bộ huyện Vị Xuyên lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển nông nghiệp là một trong những khâu đột phá của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay. Trong số 22 nghị quyết chuyên đề đã ban hành, có tới 7 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như: phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa; thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; phát triển lâm nghiệp bền vững…

Vị Xuyên còn ưu tiên, khuyến khích các hợp tác xã, người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất rau, củ trong nhà lưới. Đến nay, tổng diện tích nhà lưới trên địa bàn huyện đạt gần 30.000 m2. Tính bình quân doanh thu đạt trên 1,3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận ước tính trên 793 triệu đồng/ha/năm. Các loại rau được người dân sản xuất trong nhà lưới như: dưa các loại, cà chua, rau thủy canh, rau trái vụ. Doanh thu bình quân đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Nguyễn Chiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm