Nông dân Trà Vinh chuyển lúa vụ 3 sang trồng màu cho thu nhập cao

Ông Thạch Sa Quơne (bên trái), xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh chăm sóc ruộng dưa 0,4 ha sắp thu hoạch. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN
Ông Thạch Sa Quơne (bên trái), xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh chăm sóc ruộng dưa 0,4 ha sắp thu hoạch. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Vụ lúa Đông Xuân năm 2021 - 2022, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Trà Vinh không xuống giống mà chuyển sang trồng cây màu thu được lợi "kép", vừa vệ sinh, tái tạo lại độ phì nhiêu đồng ruộng, vừa có thu nhập từ rau, màu cao gấp 2 – 3 lần so trồng lúa.

Nông dân Trà Vinh chuyển lúa vụ 3 sang trồng màu cho thu nhập cao ảnh 1Ông Thạch Sa Quơne (bên trái) ở xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) chăm sóc ruộng dưa 0,4 ha sắp thu hoạch. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Huyện Trà Cú, huyện Duyên Hải là 2 địa phương có nhiều diện tích đất trồng lúa vụ Đông Xuân (vụ 3) được nông dân chuyển sang trồng cây màu. Hầu hết diện tích đất được nông dân bỏ lúa vụ Đông Xuân chuyển qua trồng màu do điều kiện đất thuận lợi tiếp nguồn nước ngọt, dễ bị khô hạn và nhiễm mặn trong mùa khô.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, nhiều năm nay, đơn vị cùng với chính quyền địa phương các xã đã khuyến khích nông dân có đất trồng lúa vụ 3 không thuận lợi chuyển sang canh tác 2 vụ lúa – 1 vụ màu trong năm để tránh được thiệt hại do hạn, mặn mà vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập.

Điều đáng mừng là nhiều nông dân trong huyện đã ý thức được và mạnh dạn chuyển đổi, bỏ lúa vụ 3. Chỉ tính vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022 này, có khoảng hơn 6.000 hộ nông dân trong huyện không sản xuất lúa chuyển sang trồng hơn 2.400ha màu trên đất lúa. Các loại cây màu được nông dân trồng chủ yếu như ngô, lạc, rau màu các loại cho thu nhập 50 -70 triệu đồng/ha.

Nông dân Thạch Khen, ở xã Hàm Giang cho biết: Vụ lúa Đông Xuân năm nay, gia đình ông không trồng lúa mà chuyển sang trồng 2.000m2 cây ngô giống ngô Mỹ ( bắp ngọt). Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, ruộng ngô đạt năng suất hơn 200 kg (hơn 10 tấn/ha). Giá ngô được thương lái thu mua tại ruộng 7.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông thu được 5 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông Khen còn đủ thời gian để tiếp tục trồng thêm 1vụ ngô để có thêm thu nhập.

Ở xã Long Hiệp, huyện Trà Cú còn có hơn 100 hộ nông dân được Công ty Giống cây trồng miền Nam liên kết trồng và bao tiêu 80 ha ngô giống SC25 và giống SC29 trên đất lúa của vụ Đông Xuân. Với năng suất ngô đạt khoảng 6,5 - 7 tấn/ha và được giá bao tiêu 9.500 đồng/kg đối với ngô SC25 và 12.500 đồng/kg ngô SC29, nông dân có lợi nhuận khoảng 45-50 triệu đồng /ha.

Theo Thạc sĩ Trang Tửng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Trà Vinh, đối với cây lúa việc cày ải, phơi đất để vệ sinh đồng ruộng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn chặn mầm bệnh lưu tồn trong đất. Việc cày hay xới sẽ làm đứt các mao mạch đất nên hạn chế rất hiệu quả hiện tượng xì phèn do thời điểm này trời rất nóng, khô hạn…

Vì vậy, đối với đất ruộng không sản xuất vụ lúa Đông Xuân mà thay vào đó luân canh cây màu theo mô hình canh tác 2 lúa - 1 màu sẽ làm gia tăng độ phì nhiêu cho đất, ngắt được sâu bệnh trên cây lúa và có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ cây màu mang lại. Đây là mô hình sản xuất được ngành nông nghiệp tỉnh vận động, khuyến khích nông dân thực hiện để sản xuất an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm