Với ưu điểm "ít chi phí nhưng dễ trồng, dễ bán", cây tre tứ quý đã đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình ở quận Cái Răng (thành phố Cần Thơ). Từ một hộ trồng tre tứ quý bán măng, sau 14 năm, trên địa bàn quận Cái Răng có thêm nhiều gia đình nhân rộng mô hình kinh tế này và địa phương đã thành lập 3 tổ hợp tác trồng tre tứ quý với diện tích 24 ha.
Ông Nguyễn Văn Cua, phường Tân Phú được biết đến là người đầu tiên trồng cây tre tứ quý ở vùng đất này. Ban đầu, ông Cua chỉ trồng 50 nhánh tre xen trong vườn mít, vườn dừa để lấy măng ăn nhưng không ngờ măng mọc quanh năm, bán được giá.
Nhận thấy đây là giống cây trồng có thể thay thế mít, dừa đem lại nguồn thu nhập cho gia đình nên ông Cua mạnh dạn phá bỏ vườn dừa, mít đã suy yếu. Đồng thời, chiết nhánh tre làm giống để trồng đồng loạt diện tích vườn 6.000 m2.
Theo đó, tre được lão nông Nguyễn Văn Cua trồng theo mật độ 2,5 m/bụi, mỗi bụi chừa khoảng 5 hoặc 6 cây tre mẹ. Từ lúc trồng đến lúc tre cho măng khoảng 8 tháng. Người trồng tre tứ quý không để tre mọc nhiều mà giới hạn số lượng tre mẹ trong từng bụi. Mỗi năm, tre già sẽ được đốn bán để gốc được trống, giúp tre tơ lớn nhanh, cho măng nhiều.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trồng tre tứ quý, ông Nguyễn Văn Cua cho biết, khoảng 2 tháng sẽ bón phân cho tre một lần. Mùa nắng cách 2 ngày tưới nước 1 lần, đồng thời ủ gốc tre bằng lá cây, cỏ để giữ độ ẩm giúp cây ra rễ, ra măng.
Giống tre tứ quý cho măng ưu điểm là ăn giòn ngọt, không có vị đắng, không bị xơ, vỏ không có lông tơ như những loại măng khác. Trung bình mỗi cây tre cho khoảng 6 - 8 chồi măng (mụt măng)
Theo ông Nguyễn Văn Cua, trọng lượng măng tre tứ quý dao động từ 1,2 đến hơn 2 kg/mụt măng. Giá bán mùa thuận chỉ 15.000 đồng/kg nhưng mùa nghịch (từ tháng 11 - tháng 5) lên đến 35.000 - 40.000 đồng/kg. Để thu lợi nhuận cao, ông Cua tập trung thu hoạch măng vào mùa nghịch. Sau tháng 5 hạn chế thu măng, thay vào đó lựa măng đẹp, to để dưỡng thành cây chiết nhánh làm giống bán.
"Mặc dù chỉ phân phối ở thị trường Cần Thơ nhưng đầu ra rất ổn định. Mùa măng nghịch vụ được thương lái săn đón rất nhiều, số lượng không đủ cung cấp cho bạn hàng. Thời điểm hiện nay, thị trường không có măng nên rất dễ bán và bán được giá cao hơn mùa măng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg", ông Cua cho biết.
Hiện nay, ngoài thu hoạch chính từ măng, nhiều nông dân còn chiết cành làm giống bán. Mỗi cây tre có thể chiết 5 - 8 cành làm giống. Với 6.000 m2 đất trồng tre tứ quý, từ đầu vụ (tháng 5) đến nay, anh Nguyễn Thanh Bình, phường Tân Phú bán được hơn 3.000 cây giống.
Theo các nhà vườn, trồng tre tứ quý không chỉ bán măng, bán cây giống, bán cây già mà còn bán cả lá. Ông Nguyễn Văn Giao, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng tre tứ quý khu vực Phú Lợi cho biết, mỗi dịp Tết, nhiều thương lái tìm đến mua lá tre về làm bánh ú tro với giá từ 6.000 - 10.000 đồng/kg. Nhờ đó, người trồng tre tứ quý có thêm thu nhập. Với diện tích 1.000 m2 trồng khoảng 100 - 120 bụi tre mỗi năm cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
"Tre là loại cây không sâu, bệnh nên rất dễ trồng và không tốn chi phí phân, thuốc, không tốn công sức nhiều nên bán được bao nhiêu thì ăn chắc bấy nhiêu", ông Giao khẳng định.
Cây tre tứ quý là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương đem lại nhiều triển vọng phát triển kinh tế gia đình của nông dân phường Tân Phú. Địa phương đã thành lập Tổ hợp tác trồng tre tứ quý gồm 6 thành viên với diện tích 3 ha. Nhiều gia đình "cha truyền, con nối" nghề trồng tre tứ quý.
Hiện nay, ngoài 6.000 m2 trồng tre tứ quý tại Tân Phú, ông Nguyễn Văn Cua còn mua thêm đất và thuê đất để trồng tre tứ quý với diện tích khoảng 14.000 m2 giao cho các con quản lý, chăm sóc, thu hoạch. Với 2 ha trồng tre tứ quý, mỗi năm gia đình ông Cua "thu về" trên 1 tỷ đồng.
Mặc dù hiện nay đã có nhiều người trồng tre tứ quý nhưng ông Cua vẫn không lo "được mùa mất giá" hoặc bị "dội chợ" bởi lẽ hiện nguồn măng cung vẫn không đủ cầu.
Ông Đặng Hoàng Quân, Chủ tịch Hội Nông dân quận Cái Răng cho biết, những hộ đã trồng tre tứ quý trên 3 năm đều cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm/1.000 m2 từ bán cây giống, măng tre và lá tre, cây tre già.
Nhận thấy được hiệu quả của tre tứ quý, thời gian gần đây, Hội Nông dân quận khuyến khích hội viên có diện tích vườn tạp, vườn trồng cây kém hiệu quả chuyển đổi diện tích trồng tre tứ quý.
Đến nay đã nhân rộng được 3 tổ hợp tác trồng tre tứ quý với 16 thành viên trên diện tích trên 27 ha. Quận hội Cái Răng cũng đã hỗ trợ cho các hội viên từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với 326 triệu đồng cho các hộ để phát triển trồng tre tứ quý.
"Hướng tới, Hội Nông dân quận dự định phối hợp với một số ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, hướng dẫn người dân trồng tre phát triển thêm một số sản phẩm như: làm măng chua, đồ thủ công mỹ nghệ... nhằm tăng thu nhập cho người dân", ông Quân cho biết.
Thu Hiền