Nỗ lực giảm tảo hôn ở vùng cao Lai Châu

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình tại xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn. Ảnh: baolaichau.vn
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình tại xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn. Ảnh: baolaichau.vn

Lai Châu là tỉnh biên giới có 20 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Nhiều năm qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức cho bà con về những tác hại, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, qua đó từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn, xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Nỗ lực giảm tảo hôn ở vùng cao Lai Châu ảnh 1Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình tại xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn. Ảnh: baolaichau.vn

Tại huyện Sìn Hồ, tảo hôn là tình trạng từng phổ biến trong đồng bào dân tộc thiểu số, kéo theo nhiều hệ lụy cho cả phụ nữ và trẻ em. Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Sìn Hồ triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức cho hội viên, nhân dân trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ.

Vừa bước sang tuổi 22, nhưng chị Tẩn Mý Dao, dân tộc Dao, ở bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ mang vóc dáng của người phụ nữ trung niên. Khi đang học lớp 9 thì chị Dao nghỉ học để lấy chồng, con trai lớn của chị năm nay đã 6 tuổi, con thứ 2 cũng được 3 tuổi. Lập gia đình ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" rồi vất vả mưu sinh khiến chị không ít lần hối hận.

Chị Tẩn Mý Dao chia sẻ: "Những năm đầu sống cùng gia đình chồng, cuộc sống thiếu thốn, chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên con em ốm đau liên tục, vợ chồng thường xuyên cãi vã. Giờ ra ở riêng, cuộc sống đỡ vất vả, muốn được quay trở lại lớp học nhưng lại vướng bận chăm sóc con nhỏ. Em cũng khuyên em gái đủ tuổi thì mới lấy chồng, lấy chồng sớm quá, khi mang thai và sinh con, chăm sóc vất vả lắm".

Xã Tả Ngảo hiện có 13 bản (7 bản vùng thấp và 6 bản vùng cao), chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao. Vấn nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống từng phổ biến tại địa phương trong nhiều năm. Bà con cho rằng, con cháu thích nhau, không có trâu, bò, lợn, tiền nhiều để làm đám cưới thì mua mấy đồng bạc trắng về làm cái lý theo phong tục rồi cho chúng về ở với nhau để nên vợ, nên chồng. Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi chỉ thấy thích nhau một tý cũng có thể kéo về sống chung rồi sinh con. Đây cũng là nguyên nhân đói nghèo đeo bám các bản làng triền miên năm này qua năm khác.

Theo ông Sùng A Binh, Chủ tịch UBND xã Tả Ngảo, xã là một trong những địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao. Từ năm 2017 đến nay, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của xã cùng huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền và đưa nội dung này vào quy ước bản. Đến nay, tình trạng kết hôn cận huyết thống trên địa bàn xã không còn xảy ra, tuy nhiên tỷ lệ tảo hôn còn cao và có chiều hướng gia tăng (năm 2022 xã có gần 10 cặp tảo hôn). Trong công tác tuyên truyền, xã phân công các đoàn thể phối hợp với các bản, nhất là Chi hội phụ nữ tăng cường triển khai, đồng thời xây dựng mô hình chống kết hôn sớm đối với trẻ em.

Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Tả Ngảo triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, vận động các hội viên, phụ nữ "nói không" với tảo hôn. Đối tượng tuyên truyền tập trung vào thanh, thiếu niên, chị em trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn. Ngoài ra, các cấp hội, câu lạc bộ phụ nữ ở địa phương còn vận động hội viên, phụ nữ tích cực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần.

Theo số liệu thống kê của Hội Phụ nữ huyện Sìn Hồ, từ năm 2019 đến nay toàn huyện có gần 550 cặp vợ chồng tảo hôn; riêng năm 2022 có gần 200 cặp, chủ yếu trong độ tuổi từ 13-17. Nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn trên địa bàn, các cấp Hội Phụ nữ huyện Sìn Hồ tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các hành vi nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Các cấp Hội Phụ nữ còn mở rộng thành lập các mô hình câu lạc bộ như Gia đình hạnh phúc, phụ nữ với pháp luật, không sinh con thứ 3 ở các chi hội bản; xây dựng văn bản hướng dẫn về công tác tuyên truyền, vận động; triển khai văn bản, quy định ngăn chặn tình trạng tảo hôn đến hội viên phụ nữ...

Bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu hiện có 127 hộ dân với 3 dân tộc Mông, Dao, Kinh cùng sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm đa số. Nhiều năm về trước, Cư Nhà La được biết đến là bản nghèo, tỷ lệ tảo hôn cao. Để thay đổi nhận thức của bà con, cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền "đi từng ngõ, gõ từng nhà" phân tích cho đồng bào hiểu tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số mà còn là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được đưa vào hương ước, quy ước của bản.

Với cách làm này nhận thức, suy nghĩ của bà con nơi đây đã thay đổi. Thay vì cho con tảo hôn sớm như trước thì nhiều gia đình cho con đi học, đi làm tại các công ty để có kiến thức, việc làm, thu nhập ổn định. Nhờ vậy, hôn nhân cận huyết thống trong bản Cư Nhà La đã không còn, cả bản mỗi năm chỉ còn một vài cặp vợ chồng tảo hôn.

Xác định tảo hôn là một trong những rào cản đến sự phát triển kinh tế địa phương, những năm qua tỉnh Lai Châu tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 của Chính phủ. Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị, tập huấn cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em; biên soạn tài liệu, các sản phẩm truyền thông như tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, hỏi đáp về pháp luật hôn nhân và gia đình, các vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết để cấp phát cho các xã, thôn, bản...

Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra ở các huyện biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là do nơi đây còn phong tục hứa hôn và còn nặng quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có nhân lực làm nương rẫy, giữ của cải trong nhà, hoặc do suy nghĩ nhất thời thích nhau là về ở với nhau.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục cụ thể hóa Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để từng bước giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm