Giai đoạn 2022-2025, Khánh Sơn là một trong hai huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa nằm trong danh sách huyện nghèo của cả nước. Thời gian qua, địa phương nỗ lực vượt bậc, đạt tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo trong năm 2024 - về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết số 24 - NQ/TU ngày 11/7/2022 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
![Phát triển sầu riêng cơm vàng, hạt lép giúp nông dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) thoát nghèo. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN potal-khanh-hoa-phat-trien-sau-rieng-com-vang-hat-lep-giup-nong-dan-khanh-son-thoat-ngheo-6898897.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/3f281e547bbae55e27ad5ad55e55a0e56e047a0f669afc051340a7dbbb4b8c5cf6ee5ca32b54a8bcb3b19fff37f65425a23857dbaa3058a967a6b7b35878562c0eb2bbf0fe1a85d878d6aa7746584f8120551ab6379945f0ebbc6b3b80eccc80f2f309b303106ef44200619960683e16438234f0bc9c1da99ad35fd0e84a0f24/potal-khanh-hoa-phat-trien-sau-rieng-com-vang-hat-lep-giup-nong-dan-khanh-son-thoat-ngheo-6898897.jpg)
Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, hằng năm, Khánh Sơn đều xây dựng và triển khai kế hoạch, lộ trình giảm nghèo cụ thể, phù hợp tình hình thực tế địa phương, trong đó, có chương trình xây, sửa chữa nhà cho hộ nghèo. Từ năm 2022 đến nay, huyện thực hiện lồng ghép nguồn lực từ các chương trình của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xây dựng, sửa chữa trên 1.500 căn nhà, giúp bà con an cư lạc nghiệp. Riêng chương trình xóa nhà tạm, đợt trước Tết vừa qua, huyện sửa chữa mới 185 căn nhà và từ nay đến hết tháng 6/2025 hoàn thành xây mới 194 căn nhà dột nát cho người dân.
Gia đình chị Mấu Thị Luyện (thôn Tà Nĩa, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) từ một hộ nghèo, sau những năm phấn đấu, cố gắng làm lụng đã thoát nghèo. Mới đây nhất, gia đình chị Luyện được nhận hỗ trợ 30 triệu đồng sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn kinh phí của các cấp. Trong ngôi nhà mới sạch đẹp còn thoảng mùi sơn, chị Luyện vui mừng cho biết, hai vợ chồng vừa chăn nuôi vừa làm rẫy nên có nguồn thu nhập ổn định. Cuộc sống sau khi thoát nghèo vẫn còn nhiều khó khăn nên phải tích cóp tiền dần dần mà vẫn chưa đủ để sửa sang nhà. “Nay có nhà kiên cố, mình lo làm ăn, để dành tiền nuôi hai con”, chị Luyện tâm sự.
![Đoàn kiểm tra công tác sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Khánh Hòa thăm hộ gia đình bà Mấu Thị Yêu (thứ 2, từ trái sang) tại xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn đang ở giai đoạn vệ sinh sau sửa chữa. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN potal-hon-780-ho-ngheo-tai-khanh-hoa-duoc-sua-chua-nha-cua-don-tet-7817013-1.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/3f281e547bbae55e27ad5ad55e55a0e51f88e03d926fadf02819bb5649109ad1fe85ea465be48cdc143a4d777b70ee8ffad50380f59b752c3dfc2ccef7fca3fe7f0ee41ed7c29eeb6e76c1f5b3e357f554ba043da765d7bdf74acb157fb7f87f40a7a3b303751e1d8b0e418e61a6c2b1/potal-hon-780-ho-ngheo-tai-khanh-hoa-duoc-sua-chua-nha-cua-don-tet-7817013-1.jpg)
Trong số hộ nghèo ở huyện có đến hơn 87% do nguyên nhân thu nhập thấp, không có vốn để đầu tư sản xuất. Huyện Khánh Sơn đã đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Cây sầu riêng hiện là cây trồng chủ lực, được đầu tư trồng có định hướng xuất khẩu chính ngạch. Bà con áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Đồng thời, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tạo thuận lợi cho người dân khai thác tiềm năng, thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch…
Các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, chính sách về an sinh xã hội của tỉnh được giải quyết đầy đủ và kịp thời giúp người nghèo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Trong đó 100% người nghèo, người cận nghèo và người dân tộc thiểu số trong huyện được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện hiệu quả. Cơ quan chức năng của huyện tổ chức 4 phiên “Ngày hội việc làm” gắn với giảm nghèo bền vững; phối hợp tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động với 803 lao động tham gia; tư vấn hướng dẫn người lao động tìm việc làm, giải quyết cho 1932 lao động có việc làm mới, 19 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đầu năm 2022, huyện Khánh Sơn có 3.530 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều mới), chiếm hơn 47% số hộ dân toàn huyện. Từ nguồn lực của Trung ương, địa phương cùng nguồn xã hội hóa, nỗ lực của hộ nghèo đã giải quyết những nút thắt lâu nay trong giảm nghèo ở hai nhu cầu bức thiết của hộ nghèo đó là xóa nhà tạm và tạo sinh kế. Đến cuối năm 2024, huyện còn 1.620 hộ nghèo, chiếm 20,17%, 908 hộ cận nghèo chiếm 11,3%. Huyện Khánh Sơn hoàn thành hồ sơ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Khánh Hòa xét đánh giá huyện Khánh Sơn đáp ứng đủ tiêu chí thoát huyện nghèo trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tới đây, huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thực hiện giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở. Đồng thời thúc đẩy, khuyến khích ý chí quyết tâm vượt nghèo của mọi người dân; nghiên cứu đề xuất thêm chính sách khuyến khích các hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhất là ở xã nghèo, vùng nghèo và từng hộ nghèo. Huyện thực hiện hiệu quả chính sách, dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Đề án giảm nghèo bền vững; cải thiện tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo thông qua chính sách, chương trình y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, hạ tầng phục vụ dân sinh...
Huyện Khánh Sơn phấn đấu năm 2025, toàn huyện giảm thêm khoảng 7% hộ nghèo so với năm 2024, đưa tỷ lệ hộ nghèo về dưới 13%. Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp để địa phương thoát nghèo bền vững trong những năm tiếp theo.
Phan Sáu