Nhắc đến Trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ), người ta không chỉ nghĩ đến một ngôi trường có thành tích học tập đáng nể mà còn ấn tượng bởi một "làn sóng xanh” đang lan tỏa mạnh mẽ từ ngôi trường này. Câu chuyện về hành trình “xanh hóa” đầy cảm hứng của học sinh của trường là minh chứng cho sức ảnh hưởng mạnh mẽ về ý thức bảo vệ môi trường đến từ thế hệ trẻ.
![Học sinh trường trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng sử dụng ly giấy để hạn chế rác thải nhựa. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN potal-khoi-nguon-loi-song-xanh-tu-moi-truong-hoc-duong-7858949.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/3f281e547bbae55e27ad5ad55e55a0e56e047a0f669afc051340a7dbbb4b8c5c33e79ff26057098bb9d28633bc7f932e5fd9061371425dd22d0f613424744fb88b08cbd6430a2775aecdc3f9a72b5574dff592273b06d0faf4e9c3d3fe29e439/potal-khoi-nguon-loi-song-xanh-tu-moi-truong-hoc-duong-7858949.jpg)
* Từ "Zero Waste" đến hành động
Năm 2018, khoảng một năm sau khi chuyển về cơ sở mới, Trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng đối mặt với bài toán nan giải về rác thải. Mỗi khi có gió lớn, khuôn viên nhà trường trở nên nhếch nhác với rác thải bay tứ tung. Nguyên nhân chính được xác định do thói quen sinh hoạt của học sinh khiến lượng rác thải ra quá nhiều khiến các thùng rác quá tải.
Trước thực trạng này, một kế hoạch nhằm hạn chế rác thải nhựa nói riêng và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường nói chung đã được Đoàn Thanh niên trường đề ra, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Ban Giám hiệu nhà trường. Trọng tâm là sự ra đời của Câu lạc bộ Zero Waste nhằm khơi nguồn ý thức bảo vệ môi trường từ chính học sinh.
Tên gọi của Câu lạc bộ mang ý nghĩa một cuộc sống không tạo ra hoặc tạo ra rất ít rác thải - một trong những lối sống để bảo vệ môi trường. Cũng vì vậy, Câu lạc bộ có tên gọi khác thường được biết đến là “Sống Xanh”. Câu lạc bộ do chính học sinh vận hành với các thành viên giữ vai trò như những "đại sứ" môi trường, vận động người bạn cùng trường hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm và tham gia bảo vệ môi trường.
Bạn Võ Duy Hoàng, học sinh lớp 12A2, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Zero Waste chia sẻ, một trong những hoạt động thường xuyên của Câu lạc bộ là kiểm tra, quản lý việc thu gom và phân loại rác thải tại các lớp học. Theo đó, vào cuối buổi học, các lớp sẽ tự phân loại và vận chuyển rác đến điểm tập kết. Rác thu được sẽ phân loại thành các nhóm gồm: Rác thải, rác tái chế, rác hữu cơ. Hiện nay, mặc dù trường có hơn 950 học sinh và trên 30 lớp học nhưng trung bình mỗi buổi thu được lượng rác chỉ bằng một thùng 60 lít.
Em Ngô Nguyễn Trung Nam, học sinh lớp 11A4, là một thành viên năng nổ trong công tác phân loại rác của Câu lạc bộ Zero Waste. Với vai trò là Trưởng ban phân loại rác, Nam dành 20 phút mỗi ngày để xử lý rác thải tại trường. Dù việc này khiến Nam về nhà trễ hơn một chút nhưng em vẫn rất yêu thích công việc này vì muốn góp phần bảo vệ cảnh quan trường học. Nam cho rằng, việc phân loại rác đúng cách không chỉ quan trọng ở trường mà còn cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.
Bên cạnh thói quen phân loại rác, đến nay, gần như toàn bộ học sinh trong trường đã loại bỏ dần việc sử dụng, tiêu thụ vật dụng như hộp xốp, chai nhựa và sản phẩm nhựa dùng một lần. Có những lớp học hơn một nửa số học sinh thường xuyên sử dụng bình nước cá nhân. Hình ảnh học sinh nhà trường mang theo các bình nước, hộp cơm cá nhân trở nên quen thuộc, minh chứng cho sự thay đổi trong nhận thức và hành động.
Câu chuyện của bạn Đào Minh Ngọc, học sinh lớp 11A5 là điển hình về thói quen sống “xanh” của học sinh nhà trường. Sáng nào cũng vậy, bên cạnh ba lô đựng sách vở, Ngọc đều mang theo chiếc túi vải nhỏ đựng bình nước và hộp cơm thủy tinh. Giờ ra chơi, sau khi ăn uống cùng bạn, Ngọc cẩn thận cất hộp cơm và bình nước vào túi, mang đi rửa để dùng cho ngày hôm sau.
Ngọc chia sẻ, em bắt đầu hình thành thói quen này từ khi học lớp 10, được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ phong trào “xanh hóa” của trường. Ngọc cho biết, ban đầu em rất bất ngờ khi thấy có nhiều bạn trong trường đều sử dụng bình nước và hộp cơm cá nhân. Chính điều này thôi thúc Ngọc tìm hiểu và nhanh chóng hòa nhập vào hành trình “xanh” đầy ý nghĩa này.
Theo thầy Nguyễn Hoài Thanh, Bí thư Đoàn Trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng, điều thú vị trong phong trào xanh của trường đó là việc không áp đặt những quy định cứng nhắc. Phân loại rác tại nguồn trở thành hoạt động thường nhật, giúp các bạn trực tiếp "đối mặt" với lượng rác mình thải ra, từ đó tự điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Cuộc "thi đua" về ý thức bảo vệ môi trường vì vậy diễn ra một cách tự nhiên, người “vi phạm” dù không bị xử phạt nhưng người làm tốt sẽ được ghi nhận và cộng điểm phong trào.
Tuy nhiên, hành trình này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Thầy Thanh cho biết, thời gian đầu, nhiều phụ huynh phản ứng vì những bất tiện khi phải chuẩn bị đồ ăn sáng sớm cho con em mình thay vì mua nhanh một hộp cơm ở tiệm. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và những hành động thiết thực, Câu lạc bộ Zero Waste và nhà trường từng bước vượt qua, khẳng định rằng, bảo vệ môi trường là hành trình dài hơi, cần sự chung tay của tất cả mọi người. Đến nay, nhiều phụ huynh đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ khi nhận thấy việc này không chỉ có ý nghĩa về bảo vệ môi trường mà còn tốt cho sức khỏe con em mình.
![Gian hàng của Câu lạc bộ Zero Waste giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường trong dịp hội chợ xuân vừa qua. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN potal-khoi-nguon-loi-song-xanh-tu-moi-truong-hoc-duong-7858955.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/3f281e547bbae55e27ad5ad55e55a0e56e047a0f669afc051340a7dbbb4b8c5c33e79ff26057098bb9d28633bc7f932e5fd9061371425dd22d0f613424744fb88b08cbd6430a2775aecdc3f9a72b55746785e51135b153399c9d6f572a94d77f/potal-khoi-nguon-loi-song-xanh-tu-moi-truong-hoc-duong-7858955.jpg)
* Bảo vệ môi trường một cách sáng tạo và lan tỏa
Zero Waste không chỉ là nơi tập hợp những trái tim yêu môi trường với các hoạt động phân loại rác và vận động bảo vệ môi trường, đây còn là "vườn ươm" tài năng bằng nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Các thành viên có cơ hội phát triển kỹ năng, thỏa sức sáng tạo và được nhà trường tạo điều kiện tối đa.
Các hoạt động của Zero Waste rất đa dạng, từ tổ chức các buổi tọa đàm đến việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để lan tỏa thông điệp. Các bài đăng mạng xã hội được thiết kế sinh động và những video kể chuyện theo phong cách bắt "trend" của giới trẻ... thu hút lượng tương tác lớn, chứng tỏ sức lan tỏa mạnh mẽ của những ý tưởng sáng tạo.Câu lạc bộ còn có các hoạt động kinh doanh bổ ích với những sản phẩm như, bình nước cá nhân, hộp cơm, túi vải, dây cột tóc... và sản phẩm góp phần hạn chế rác thải nhựa nói chung. Hoạt động này không chỉ giúp học sinh có thêm kinh nghiệm thực tế về kinh doanh mà còn lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường đến cộng đồng.
Đặc biệt, Câu lạc bộ còn là môi trường để các thành viên áp dụng kiến thức đã học tạo ra sản phẩm thiết thực, phục vụ cuộc sống. Các thành viên tự nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm độc đáo như, enzym rửa tay, nước rửa chén hữu cơ, bút chì "hạt giống"... Các hoạt động này cho thấy bảo vệ môi trường không khô khan mà hoàn toàn có thể trở thành nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo.
Một minh chứng cho sức lan tỏa của phong trào xanh tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng là việc các cơ sở kinh doanh xung quanh đang dần "xanh" hóa để hòa nhịp cùng phong trào của học sinh. Nhiều cơ sở kinh doanh bên cạnh vật dụng truyền thống như hộp xốp, bọc nylon đã bổ sung thêm hộp, bọc, cốc giấy...phục vụ học sinh.
Chị Đinh Thị Bé Sáu (38 tuổi, sống tại khu vực 2, phường Hưng Thạnh, Cái Răng), chủ quán ăn gần trường chia sẻ, cách đây vài năm, lượng khách hàng là học sinh đến quán của chị có phần giảm sút. Sau khi tìm hiểu, chị được biết, các em đang hưởng ứng phong trào "xanh hóa" của trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Lúc này, quán của chị vẫn sử dụng hộp xốp nên ít được học sinh ủng hộ. Nhận thấy điều đó, chị Sáu quyết định bổ sung thêm hộp giấy phục vụ các em. Chị cũng cho biết từ khi có phong trào này, khu vực xung quanh trường trở nên sạch sẽ hơn, không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi như trước. Được truyền cảm hứng từ các bạn trẻ, hiện chị Sáu đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn hộp giấy tại quán ăn của mình.
Đến với Trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng hôm nay, chúng ta sẽ thấy một không gian học đường xanh - sạch - đẹp, điều này đã trở thành niềm tự hào của trường bên cạnh thành tích học tập. Đây chính là thành quả của quá trình nỗ lực không ngừng, minh chứng cho sức mạnh của tuổi trẻ, của sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm với môi trường. Trong tháng 12/2024, trường vinh dự trở thành một trong 6 trường học trên cả nước được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận đạt tiêu chí "Vì môi trường xanh quốc gia".
Theo Bí thư Thành đoàn Cần Thơ Lư Thị Ngọc Anh, những mô hình như tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng có ý nghĩa quan trọng trong việc lan tỏa, truyền cảm hứng cho các trường học khác. Ban Thường vụ Thành đoàn đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ từ Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Đoàn trường, đặc biệt là sự tham gia tích cực của học sinh. Những người trẻ đã cho thấy việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của mọi người và có thể xuất phát từ những hành động, thói quen dù là nhỏ nhất.
Thành đoàn Cần Thơ đang phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong trường học tăng cường hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức người trẻ về bảo vệ môi trường. Qua đó, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong thực hiện mục tiêu xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị sinh thái theo hướng tăng trưởng xanh, ổn định, bền vững.
Trung Kiên