Các sản phẩm đặc thù đã được liên kết với Hiệp hội nho táo Ninh Thuận trưng bày, quảng bá ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận đã và đang phát triển đúng hướng. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: lúa, nho, táo, mía, sắn, ngô giống, măng tây xanh, bò, dê, cừu… được tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chặt chẽ dưới nhiều hình thức và kênh phân phối khác nhau thông qua hệ thống chợ, thương lái, hợp đồng thương mại… Đến nay, Ninh Thuận đã xây dựng và hình thành các vùng chuyên canh tập trung như: Vùng nguyên liệu mía đường với diện tích 2.500 ha gắn với công ty mía đường; vùng nguyên liệu sắn 2.000 ha gắn với nhà máy chế biến tinh bột sắn; vùng trồng nho an toàn gắn với các cơ sở chế biến thuộc Hiệp hội nho Ninh Thuận; vùng trồng rau an toàn gắn với các liên minh sản xuất… Bên cạnh đó, tỉnh có 10 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và ngày được nhân rộng như: Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trồng ngô giống; trồng lúa; măng tây xanh; nho; cây nha đam; điều hữu cơ; mía đường; dê, cừu thịt; heo đen…
Các sản phẩm đặc thù đã được liên kết với Hiệp hội nho táo Ninh Thuận trưng bày, quảng bá ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Toàn tỉnh đã có 12/64 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp để sản xuất một số loại cây trồng chủ lực; đồng thời có 20 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản (trong đó có 14 liên kết cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh). Tuy nhiên, theo đánh giá của các giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tại Ninh Thuận, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự phù hợp và phát huy hiệu quả cao. Các doanh nghiệp và hợp tác xã đang rất cần vốn để đầu tư, nhưng việc tiếp cận vốn vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ ban hành còn gặp nhiều khó khăn; quy hoạch vùng sản xuất chưa cụ thể; đầu ra cho sản phẩm còn bấp bệnh. Ông Nguyễn Văn Bảnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hợp tác xã nho Evergreen cho biết, cái cần nhất hiện nay của các hợp tác xã là sự vào cuộc, đồng hành của chính quyền các cấp bởi các doanh nghiệp, hợp tác xã và xã viên đều thống nhất và thấy được hiệu quả của sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì phải có vốn, trong khi các ngân hàng thương mại lại quá dè dặt trong việc thẩm định, đánh giá dự án để cho vay. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Ninh Thuận Đỗ Văn Minh cho rằng, hiện nay, nhiều hợp tác xã trong tỉnh hoạt động kiểu “tự thân vận động” và rất “đơn thân, độc mã” vì chính quyền địa phương chưa thực sự đồng hành, còn vốn vay thì khó khăn. Để vay được vốn thì các hợp tác xã cần thế chấp tài sản, trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hợp tác xã lại không được các ngân hàng thương mại cho thế chấp. Còn vay tín chấp thì đến giờ trong tỉnh chỉ có 2 hợp tác xã được vay khoảng 1 tỷ đồng/hợp tác xã. Liên quan đến vấn đề vốn vay, ông Hồ Chu Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp đi vay và cho vay nên ngân hàng cũng cần đảm bảo nguồn vốn để lưu thông, bảo tồn vốn. Vì vậy, việc theo dõi giải ngân, thẩm định dự án, thu hồi vốn vay đối với ngân hàng là rất quan trọng. Hiện nay, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa có tính bền vững và khẳng định được uy tín với ngân hàng. Ngân hàng sẵn sàng tạo điều kiện cho vay, nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã cần khẳng định được thương hiệu, có định hướng phát triển bền vững; đồng thời chứng minh có tư liệu sản xuất để sản xuất và có như thế ngân hàng mới thẩm định cho vay. Để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện đầu tư và theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh ngân hàng nhà nước tại Ninh Thuận đã ký mở thêm 6 phòng giao dịch tại các huyện Ninh Sơn, Thuận Nam, Ninh Hải; đồng thời đề nghị các ngân hàng thương mại giảm bớt thủ tục rườm rà nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã ở các địa phương dễ tiếp cận vốn vay.
Giống nho NH 01-152 được các doanh nghiệp và hợp tác xã nho Thái An, huyện Ninh Hải cùng liên kết sản xuất đang chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã có và các hợp tác xã cần mạnh dạn hoạt động theo kiểu mới. UBND tỉnh khuyến khích các hợp tác xã thành lập doanh nghiệp, tập đoàn trong hợp tác xã để có sự chủ động trong liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chế biến, thu hút thị trường. Đặc biệt, phải thực sự uy tín để tạo sự tin tưởng với các doanh nghiệp, ngân hàng và qua đó mang lại lợi ích cho chính hợp tác xã và xã viên. Chính quyền các cấp cũng cần đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc; huy đông người dân dồn điền, đổi thửa, san phẳng đồng ruộng thực hiện sản xuất cánh đồng lớn; đồng thời xác định và quy hoạch cụ thể vùng sản xuất, kế hoạch sản xuất để tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ làm thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến dẫn đến thất bại. Hướng đến phát triển bền vững ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển sản phẩm đặc thù của tỉnh và ngay đầu năm 2019, tỉnh đã trích kinh phí hơn 13 tỷ đồng để hỗ trợ, phục vụ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho tỉnh tiếp tục ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nông nghiệp.
Công Thử