Tuyên Quang là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi sông, suối, ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại, phát triển kinh tế của các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 55/NQ- HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh về Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025, nhiều cây cầu mới được xây dựng.
Qua đó, Tuyên Quang tạo bước phát triển đột phá về giao thông, xóa bỏ các điểm cách trở do suối, ngòi, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn trong mùa mưa lũ và thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, đem lại diện mạo mới cho các thôn, bản.
Thôn 28, xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang có 197 hộ với 893 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào Cao Lan (nhóm địa phương thuộc dân tộc Sán Chay). Nhiều năm qua, do điều kiện địa hình nên việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, thường xuyên phải chịu cảnh chia cắt khi có mưa lớn. Để vượt qua suối, người dân đã cùng nhau dựng cầu tạm bằng những cây tre ghép vào nhau. Cây cầu tạm chỉ đủ chỗ cho người đi bộ, đi xe đạp, còn các phương tiện giao thông khác phải gửi tại những hộ dân nằm bên kia bờ suối. Khi có mưa lớn, lũ tràn về rất nhanh khiến cho những con suối trở nên rất "hung dữ", trẻ con cũng phải nghỉ học. Việc đi lại khó khăn trở thành rào cản phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trong thôn, hàng hóa làm ra khó tiêu thụ, bị ép giá bởi thương lái ngại vào thu mua. Đồng bào luôn mong mỏi có cây cầu qua suối để đi lại an toàn hơn trong mùa mưa bão. Cuối tháng 7/2022, mong ước của người dân đã thành hiện thực khi hai cây cầu Đồng Bình và Vực Vại 1 được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Anh Vương Văn Hải, Trưởng thôn 28, xã Kim Phú phấn khởi cho biết, bà con vui mừng không sao tả hết. Cây cầu này được đưa vào sử dụng, các cháu học sinh sẽ không còn phải nghỉ học do mưa lũ, đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa, sản phẩm lâm nghiệp, nông nghiệp của địa phương cũng dễ dàng hơn.
Cùng chung niềm vui như người dân thôn 28, bà con ở thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, rất phấn khởi khi cây cầu bê tông Pắc Tiu được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 6 năm 2022. Cầu Pắc Tiu được thiết kế với chiều dài 12m, rộng 4m. Trong đó, phần xe chạy rộng 3,5m, lan can hai bên rộng 0,5m. Kết cấu phần trên dầm cầu áp dụng công nghệ bê tông cường độ cao.
Để cây cầu sớm hoàn thành, đưa vào sử dựng, nhiều hộ dân trong thôn không chỉ tự nguyện hiến đất mà còn sẵn sàng chặt bỏ hoa màu, cây cối… giúp đơn vị thi công có mặt bằng để làm cầu. Gia đình bà Ma Thị Giáp nằm cách cầu Pắc Tiu chừng 30 mét, để thuận tiện trong quá trình thi công cầu, đơn vị thi công xin ở nhờ nhà bà và được gia đình đồng ý. Không những vậy, bà Giáp còn hiến hơn 200 mét vuông đất để làm cầu. Bà Ma Thị Giáp chia sẻ, được nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu mới, người dân trong thôn đều vui mừng. Đây chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Ông Ma Đình Sắc, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực, mà còn tạo đà để phát triển kinh tế phục vụ cho việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của địa phương. Đặc biệt, là góp phần vào việc nâng cao tiêu chí giao thông nông thôn.
Theo ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang, Nghị quyết số 55/NQ- HĐND của HĐND tỉnh Tuyên Quang rất hợp lòng dân nên việc triển khai xây dựng được bà con đồng tình ủng hộ, nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất để xây cầu. Đề án được thực hiện sẽ giúp hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Những cây cầu này được xây dựng với phương châm Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí, nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu và đường dẫn, đường kết nối. Cầu rộng 4m, dầm cầu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đúc sẵn, áp dụng công nghệ bê tông cường độ cao... Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 38 cây cầu trên đường giao thông nông thôn; trong đó, huyện Na Hang, Lâm Bình, Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa mỗi địa phương 6 cây cầu, thành phố Tuyên Quang 2 cây cầu.
Theo ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang, cầu trên đường nông thôn khi xây dựng phải đảm bảo yêu cầu về kết nối và có tác động tích cực đến đời sống người dân khu vực được hưởng thụ. Do đó, công tác phối hợp với các địa phương thực hiện khảo sát, thiết kế được làm kỹ, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí…
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giai đoạn 2021-2025, xây dựng ít nhất 200 cầu với tổng kinh phí dự kiến 470 tỷ đồng.
Vũ Quang