Bộ đội Biên phòng Quảng Nam tổ chức khám, chữa bệnh cho đồng bào xã biên giới Đắc Pring, huyện Nam Giang. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN |
Trong ngôi nhà sàn bề thế, vững chắc, có đầy đủ các phương tiện giải trí, Già làng Bhlúp Nghết, xã Zuooih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Nhiều năm qua, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đồng bào vùng biên giới luôn nhận được sự trợ giúp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê. Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng thường xuyên phối hợp với những người có uy tín, với già làng đến từng nhà vận động bà con đưa con em đến trường, vận động các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai để không sinh nhiều con, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; thực hiện ăn chín, uống sạch để ngăn chặn các loại dịch bệnh; vận động đồng bào các dân tộc ở hai bên đường biên giới không xâm canh, xâm cư. Nhờ vậy, nhiều năm liền ở xã vùng biên giới này, các loại dịch bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết không còn là nỗi ám ảnh. Gia đình nào cũng có công trình nước sạch, nước tự chảy hợp vệ sinh, có ruộng lúa nước, vườn rừng, cuộc sống thay đổi từng ngày.
Ông Zơ Râm Huấn, Chủ tịch UBND xã La Êê, huyện Nam Giang cho biết: Nhờ có Bộ đội Biên phòng, từ chỗ chỉ quen đốt rừng, chọc tỉa để làm nương rẫy, đến nay, bà con đã biết chăm sóc lúa nước, năng suất cao hơn gấp chục lần so với lúa rẫy. Không chỉ làm việc tại trạm, các y, bác sĩ của Trạm Quân dân y kết hợp còn về tận các bản xa xôi nhất để khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào. Chương trình “Nâng bước em đến trường” của Bộ đội Biên phòng thực hiện trong nhiều năm qua giúp nhiều em học hết bậc Trung học Phổ thông và theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước. Đồn Biên phòng còn cử cán bộ về cơ sở làm Phó Bí thư Đảng ủy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho đồng bào.
Là huyện vùng cao biên giới, ngoài nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, xã luôn nhận được sự giúp đỡ của lực lượng Biên phòng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại các xã biên giới, chính quyền phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng trong việc xây dựng và bảo vệ tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị. Thông qua các chương trình hành động cụ thể, tình trạng xâm canh xâm cư, đốt rừng làm rẫy, hôn nhân cận huyết thống được đẩy lùi. Mỗi năm, hàng nghìn lượt người bệnh ở các xã vùng cao biên giới được khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí. Quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới còn tích cực cùng lực lượng Biên phòng quản lý, bảo vệ từng cột mốc, từng mét biên cương - ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết.
Hàng trăm tổ tự quản đường biên, bảo vệ cột mốc, tổ tự quản về an ninh trật tự được thành lập và duy trì với gần 2000 thành viên, luôn sát cánh cùng cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng. Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam chia sẻ: Ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, tham gia nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giới; triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Qua đó, tăng cường niềm tin của quần chúng đối với Đảng, chính quyền, góp phần xây dựng tuyến biên giới vững mạnh, củng cố tăng cường mối quan hệ máu thịt quân dân.
Đi dân nhớ, ở dân thương, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam không những đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc mà còn giúp đồng bào từng bước đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; xây dựng, củng cố mối quan hệ láng giềng, đoàn kết, hữu nghị giữa đồng bào các dân tộc nơi phên dậu quốc gia giữa các tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và tỉnh Sê Kông (Lào) anh em.
Đoàn Hữu Trung