Khu vực Nam Trung bộ là vùng đất giàu di sản văn hóa, gắn liền với chiều dài lịch sử của cả dân tộc. Dặm dài các tỉnh từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Khánh Hòa, hệ thống di tích Chăm rất phong phú với nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, bia ký, di tích khảo cổ học... có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa. Trong đó, tiêu biểu nhất là hệ thống các tháp Chăm với tuổi đời hàng nghìn năm.
Ở Nam Trung bộ, tháp Chăm vừa là biểu tượng văn hóa, ghi dấu lịch sử của mỗi địa phương, vừa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của chúng. Việc kết nối các tháp Chăm trở thành một trong những “điểm đến” cho ngành du lịch ở mỗi địa phương, như một cách giới thiệu “bảo vật” vô giá, và cũng là cách góp phần phát triển du lịch của mình. Nhóm phóng viên TTXVN tại các tỉnh Nam Trung bộ có hai bài viết giới thiệu đến bạn đọc về nội dung này.
Bài 1: Tháp cổ nghìn năm lưu dấu
Tháp Chăm hay còn gọi là tháp Chăm-pa, tháp Chàm, là tên gọi thông dụng trong tiếng Việt để chỉ kiến trúc đền tháp Chăm-pa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng (Hindu, Phật giáo) của dân tộc Chăm, sinh sống ở miền Nam Trung bộ Việt Nam ngày nay. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, tháp Chăm được người Chăm xây dựng tại các khu vực trù phú, nơi định cư của người Chăm trong đất liền, mà ra đến đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi. Điều đó đủ để khẳng định rằng kiến trúc tháp trong văn hóa Chăm-pa có một thời vàng son dọc suốt chiều dài mảnh đất khu vực này. Ngày nay, giữa phố thị sầm uất, những tháp Chăm nghìn năm tuổi vẫn còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử không thể thiếu, không thể lãng quên...
Kiến trúc xưa thành “báu vật” hôm nay
Tháp Bà Ponagar nằm trên đồi Cù Lao, bên dòng sông Cái của thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là di sản văn hóa Chăm-pa lớn nhất vùng Nam Trung Bộ. Di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Khu đền tháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tinh thần của dân tộc Chăm dẫu trải qua thăng trầm của lịch sử.
Tháp Bà Ponagar Nha Trang hiện là quần thể kiến trúc Chăm pa độc đáo nhất Việt Nam hiện nay bởi có Mandapa (khu Tiền đình). Theo như nghiên cứu của các nhà khoa học đây có thể là nơi chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên hành lễ Bà. Mặc dù hiện nay Mandapa không còn nguyên vẹn nhưng đây cũng là điểm nhấn rất độc đáo của Tháp Bà Ponagar không lẫn vào đâu được…
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật tiêu biểu, từ năm 1979, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Tháp Bà Ponagar là di tích quốc gia. Tiếp đó, năm 2012, lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội thường niên nhằm tưởng nhớ Thiên Y Thánh mẫu Ana, người được dân gian tôn vinh là Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung bộ; cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên.
Cách Tháp Bà Ponagar hơn 100km về phía Bắc, Tháp Nhạn thuộc tỉnh Phú Yên tọa lạc cạnh dòng sông Ba kỳ vĩ, trên một ngọn núi nhỏ nhưng không kém phần uy nghi. Khi chạm tay vào bức tường vững chắc với màu gạch nung đỏ sẫm mà không thấy vết mạch hồ của Tháp Nhạn, không ai nghĩ ngọn tháp vút cao giữa bầu trời Tuy Hòa đã được xây dựng từ thế kỷ XI. Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử của người Chăm và đây cũng là một thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, Tháp Nhạn là chứng tích về quá trình giao thoa giữa các nền văn minh trong quá khứ đối với các khu vực trên lãnh thổ của nước ta, trong đó có nền văn minh Ấn Độ. Tại Tháp Nhạn còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật bằng sa thạch như: các bộ phận trang trí trên phần cửa, phần mái của di tích, có giá trị nghệ thuật cao. Riêng bệ thờ bằng sa thạch tại di tích này là một tác phẩm được chế tác công phu, với nhiều họa tiết hoa văn mềm mại, tinh tế. Các nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm-pa đánh giá bệ thờ này có thể lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
Tại tỉnh Bình Định, kiến trúc các đền tháp Chăm có quy mô lớn và còn khá nguyên vẹn, mang phong cách của thời kỳ Vijaya. Hiện tại còn 8 cụm với 14 ngôi tháp Chăm, phân bố ở các địa phương: thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát. Ngoài ra, còn có 3 di tích thành cổ (thành Đồ Bàn, thành Cha và thành Thị Nại); 6 di tích khu lò gốm cổ; 26 phế tích kiến trúc nằm rải rác. Trong đó, cụm tháp Dương Long được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015; các cụm tháp còn lại sau đó cũng được xếp hạng Di tích quốc gia. Bên cạnh giá trị độc đáo của công trình kiến trúc đền tháp, các di tích văn hóa Chăm-pa ở Bình Định còn có nhiều tác phẩm điêu khắc đá và đất nung quý hiếm, hiện có 9 tác phẩm điêu khắc đá Chăm-pa được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Bên cạnh hệ thống tháp Chăm còn hiện hữu ở Khánh Hòa, Bình Định và Phú Yên, hơn 60 điểm phế tích văn hóa Chăm-pa ở tỉnh Quảng Ngãi được phân bố từ Bình Sơn đến Đức Phổ, trên vùng đồng bằng duyên hải, ra đến đảo Lý Sơn. Tất cả tạo nên sự tiếp nối liên tục của dòng lịch sử, phong cách của từng thời kỳ, giá trị của mỗi di tích trong đời sống tâm linh, văn hóa của người xưa.
Tháp Chăm giữa lòng phố thị
Mặc dù đã in đậm dấu ấn thời gian, có những tháp Chăm nghìn năm tuổi vẫn không hề bị quên lãng mà “sống” giữa lòng phố thị, cùng với nhịp sống hiện đại. Ở khu vực Nam Trung bộ, tháp Chăm trở thành là biểu tượng văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương. Tháp Nhạn ở tỉnh Phú Yên là “chứng tích” lịch sử khi đúng vào ngày 1/4/1975, cờ giải phóng của Cách mạng đã tung bay trên đỉnh Tháp; đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên. Hay nếu về với đất võ Bình Định, tháp Đôi ở thành phố Quy Nhơn là biểu tượng khó quên...
Trải qua những biến cố lịch sử và thời gian, một số tháp Chăm đã xuống cấp và được Trung ương, chính quyền các địa phương trùng tu tôn tạo nhằm lưu giữ vốn quý của cha ông để lại cho con cháu muôn đời.
Để Tháp Nhạn vẫn sừng sững giữa lòng thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã nhiều lần tiến hành trùng tu, tôn tạo. Trong đó, lần tu bổ quan trọng nhất được thực hiện từ năm 1998 đến năm 2000. Trong quãng thời gian này, các chuyên gia văn hóa, nhà khảo cổ đã dày công phục hồi, gia cố nhiều hạng mục bị hư hại, xuống cấp để Tháp Nhạn giữ được hình dáng của mình.
Tháp Bà Ponagar cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết: Trải qua thời gian, với khí hậu nhiệt đới ẩm nên di tích không thể tránh khỏi tình trạng xuống cấp. Trong quần thể Tháp Bà Ponagar, tháp Nam hiện đang cần có phương án tu bổ, gia cố, phục hồi để bảo tồn và phục vụ hoạt động tín ngưỡng, tâm linh cho người hành hương, cũng như hoạt động tham quan của du khách trong nước và quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Khánh Hòa đã cho phép lập báo cáo chủ trương đầu tư tu bổ, gia cố, phục hồi tháp Nam, thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2023-2024. Đây là những việc làm rất cần thiết để bảo tồn hệ thống tháp Chăm ở địa phương.
Với những phế tích văn hóa Chăm-pa xuất hiện dày đặc, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành các đợt khảo cổ học và nghiên cứu lịch sử hình thành. Kết quả cho thấy, Quảng Ngãi từng là địa điểm hưng thịnh của văn hóa Chăm-pa. Sự phát triển này liên quan đến vấn đề giao thương buôn bán hàng hóa ra bên ngoài dọc theo bốn trục sông lớn trong tỉnh, là sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Bồng và sông Trà Câu...
Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi: Trong số nhiều cuộc khảo cổ về văn hóa Chăm-pa, đến thời điểm này có lẽ vui nhất là khi thực hiện tại thành cổ Châu Sa thuộc địa phận các xã Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Khê, Tịnh Thiện (thành phố Quảng Ngãi). Đây là tòa thành có kiến trúc nổi bật trong hệ thống thành Chăm ở miền Trung. Khác với các tỉnh lân cận như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, dấu tích văn hóa Chăm tại Quảng Ngãi nhiều hơn. Dẫu hiện nay chỉ còn lại một số dấu tích như nền, móng chứ không còn công trình hiển lộ nhưng điều này cho thấy kiến trúc tháp Chăm cổ vẫn là một dấu ấn văn hóa hiện hữu giữa đời sống phố thị hiện đại ngày nay. (Còn tiếp-Bài 2: Báu vật của du lịch Nam Trung Bộ)
Nhóm PV Nam Trung bộ