Bằng sự năng động và khát vọng lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, nhiều đoàn viên thanh niên sống tại huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã đi lên từ hai bàn tay trắng, trở thành những thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Anh Lương Đình Trọng, thôn Khụ 1, xã Giao Thiện và anh Phạm Hồng Sơn, thôn Giáng, xã Quang Hiến là hai tấm gương điển hình cho tinh thần dám nghĩ dám làm của những thanh niên vùng cao. Họ đã biết tận dụng diện tích đất rừng tại địa phương để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu.
Anh Lương Đình Trọng (trái) thôn Khụ 1, xã Giao Thiện, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa đang kiểm tra tốc độ sinh trưởng của gà con. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Về thăm trang trại của anh Lương Đình Trọng, thôn Khụ 1, xã Giao Thiện, được anh chia sẻ, chúng tôi mới thấy được tinh thần dám nghĩ dám làm của những thanh niên vùng cao. Sinh ra trong một gia đình nghèo, học hết cấp 2, anh đã phải nghỉ học để vào tỉnh Gia Lai làm công nhân. Năm 2015, Công ty cắt giảm nhân sự, phải nghỉ việc, anh quyết định về quê lập nghiệp với hai bàn tay trắng.
Năm 2016, được Huyện Đoàn Lang Chánh tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh quyết định vay vốn ngân hàng 100 triệu để xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn, kết hợp trồng cây hái quả và trồng rừng ngay tại quê nhà. Để thực hiện mô hình, anh nhập các giống gà đảm bảo chất lượng, chọn mua các giống cây trồng tốt như cam, bưởi và keo.
Anh Trọng tiến hành xây chuồng nuôi gà trên diện tích 320 m2. Xung quanh chuồng gà được anh bao bọc bằng thép lưới. Chuồng nuôi gà thoáng mát, khép kín, ánh sáng và độ ẩm được thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà con.
Sau khi xây dựng chuồng, anh đã nhập 500 con gà giống chất lượng tốt về chăn nuôi. Để hạn chế dịch bệnh, anh luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, theo dõi, ghi chép lại quá trình sinh trưởng của gà. Nhờ đó, lứa gà đầu tiên nuôi trong 6 tháng đã phát triển tốt. Sau khi bán ra thị trường, anh thu lãi 50 triệu đồng.
Đến năm 2018, sau khi lứa gà đầu tiên sản xuất thành công, anh quyết định mở rộng trang trại, nhập thêm nhiều gà giống về chăn nuôi theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và trồng thêm 1 ha cây keo. Kiên trì, ham học hỏi, anh đã mở rộng trang trại lên 5,5 ha. Anh đang nuôi gần 3.000 con gà sạch (mỗi năm xuất 2 lứa, mỗi lứa 2.300 con) và 3 ha rừng trồng cây keo, 1 ha trồng các loài cây ăn quả như cam, bưởi, ổi. Hiện thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 110 triệu/năm. Ngoài ra, anh luôn giúp đỡ thanh niên trong xã về kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế để các thanh niên vươn lên thoát nghèo.
Anh Phạm Hồng Sơn, thôn Giáng, xã Quang Hiến cũng là một thanh niên dám nghĩ dám làm, do hoàn cảnh khó khăn anh đã đi làm nhiều nghề nhưng vẫn không kiếm đủ tiền lo cho gia đình. Năm 2015, anh vay vốn người thân để thực hiện mô hình chăn nuôi gà. Song do thiếu kinh nghiệm, đàn gà của anh bị dịch bệnh chết nhiều. Vì vậy, có những thời điểm, anh đã tưởng phải bỏ giữa chừng. Nhưng với với ý chí thoát nghèo, anh quyết tâm làm lại từ đầu.
Mô hình chăn nuôi gà an toàn kết hợp trồng cây hái quả, trồng rừng của anh Lương Đình Trọng, thôn Khụ 1, xã Giao Thiện, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa cho thu nhập 110 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Năm 2017, xét thấy địa hình và khí hậu địa phương thích hợp với nuôi giống gà Lai Chọi và gà Ri Lai, anh Sơn đã đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà Lai Chọi, gà Ri lai an toàn. Anh xây khu chuồng nuôi kiên cố với nền chuồng bằng xi măng bảo đảm vệ sinh, khu nuôi được chia tách khoa học, sau đó anh xây dựng hệ thống đệm lót sinh học, khử trùng tiêu độc.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, đàn gà đã lớn nhanh và bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng thịt nên được các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh nhập về sử dụng và đánh giá cao. Hiện gia đình anh đang nuôi 3.000 con gà, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm.
Sau khi thành công từ mô hình trang trại, anh Sơn và một số đoàn viên thanh niên trong huyện đã cùng nhau thành lập nên Hợp tác xã thanh niên Hán Sơn Dương vào tháng 1/2018, với 7 thành viên nhằm hỗ trợ nhau về vốn, khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, Hợp tác xã đã tăng lên 10 thành viên với 10 trang trại gà đóng tại các xã Quang Hiến, Giao Thiện và Giao An. Trung bình, mỗi trang trại nuôi từ 1.500-3.000 con gà thịt, mỗi lứa gà xuất bán cho thu nhập 50-60 triệu đồng.
Anh Lê Minh Châu, Bí thư Huyện Đoàn huyện Lang Chánh cho hay: Hai tấm gương thanh niên trên là những nhân tố nổi bật có những ý chí, khát vọng lập nghiệp tại mảnh đất quê hương, tuy khó khăn nhưng họ vẫn cố gắng tìm cách để vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, mô hình Hợp tác xã thanh niên Hán Sơn Dương đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp nhiều đoàn viên thanh niên có điều kiện giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế. Qua đó, tiếp sức cho phong trào khởi nghiệp nơi miền núi xứ Thanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nguyễn Nam
(TTXVN)