![]() |
Nhà gươl thôn Pơ Ning, xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam) - nơi có nhiều mặt nạ gỗ. |
Người Cơ-tu đục đẽo, chạm trổ những chiếc mặt nạ từ một đoạn cây gỗ có chiều rộng từ 20-25cm, chiều dài từ 30-35cm. Sáng tạo một chiếc mặt nạ cho đúng chất, thể hiện được “cái hồn” của nó là công việc rất khó, không phải nghệ nhân nào cũng làm được. Chỉ có các nghệ nhân lão luyện, thợ điêu khắc tài giỏi nhất mới làm được mặt nạ. Trong suốt thời gian làm mặt nạ, người thợ đó phải vào rừng một mình, tìm một nơi kín đáo để làm, sau khi hoàn thành tác phẩm mới được về nhà. Những bộ phận chính trên mặt nạ như mắt, mũi, miệng đến những chi tiết khác như trán, má, cằm... được cách điệu với đường nét tạo hình hết sức hoang sơ. Chỉ với một đường khoét lõm ở đuôi mắt, một đường cong trên má, đủ để thể hiện được tính cách của chiếc mặt nạ: hung dữ hay hiền lành. Mặt nạ xuất hiện trong nghệ thuật truyền thống của nhiều tộc người, song ở người Cơ-tu, chúng có sắc thái riêng trong tạo dáng và chạm trổ, có kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài nghệ gọt đẽo và sử dụng sắc màu để tạo nên một chiếc mặt nạ hoàn hảo. Màu trắng, đỏ, đen là những màu chính thường dùng trong hội họa truyền thống của tộc người và cũng là sắc màu cơ bản thể hiện trên mặt nạ. Tùy theo tính cách của mỗi chiếc mặt nạ mà người nghệ nhân có cách phối màu, tô vẽ riêng nhằm tạo ra nhiều khuôn mặt với nét đặc trưng, biểu cảm khác nhau.
![]() |
Mặt nạ dữ với chiếc mồm rộng nhe răng nanh đe dọa. |
Có thể chia mặt nạ gỗ của người Cơ-tu thành hai dạng hình cơ bản: loại dữ ác và loại hiền lành. Một mặt nạ thể hiện tính cách hung dữ thì thoạt nhìn đã mang lại nỗi lo sợ, khiếp đảm cho người xem với hình dạng dị tướng có hai chiếc sừng nhọn trên đầu giống như “Ngưu ma vương”, lưỡi thè ra đỏ chóe như “ma le”, nhe ra những chiếc răng nanh nhọn hoắt, mắt trợn trừng trông rất nanh ác. Loại này trước đây được các chiến binh dùng trong các cuộc chiến đấu với kẻ thù. Ở dạng mặt nạ này, người Cơ-tu sử dụng thuật tô vẽ màu sắc để làm nên cá tính của người hung ác. Họ tin rằng những khuôn mặt đó là hiện thân của những kẻ ác, kẻ sẽ gieo rắc tai họa cho đối thủ. Nó xuất phát từ trí tưởng tượng và quan niệm về mặt tâm linh rằng khuôn mặt của người tàn ác, kẻ xấu là khuôn mặt không giống như con người bình thường mà mang dung mạo, chân tướng của ma xấu, quái vật thật ghê gớm, đáng sợ, mọi người cần phải tránh xa.
Đối lập với mặt nạ dữ là dạng mặt nạ hiền. Dù cho trong những đường nét gọt đẽo có sự cách điệu nhưng chung quy lại loại mặt nạ này khi nhìn vào thấy hiện rõ nét thân thiện, gần gũi, như chính những người thân, ruột thịt xung quanh. Để tạo ra khuôn mặt hiền, người ta không tô vẽ nhiều màu sắc mà đục đẽo một cách chân phương, mềm mại. Loại mặt nạ này mang dấu ấn của những gương mặt hiền, ánh lên nét nhân từ, tươi vui, gần gũi, là hiện thân của những gương mặt tích cực, mang lại niềm thương yêu, tin cậy cho dân làng, có uy tín trong cộng đồng như già làng nhân từ, tốt bụng, thanh niên đứng đắn, giỏi giang.
![]() |
Mặt nạ hiền với nụ cười tươi. |
Ngày nay, hiếm thấy nghệ nhân Cơ-tu nào sáng tạo tác phẩm mặt nạ gỗ. Chúng là hiện vật dân tộc học mà người chơi cổ vật thích được sở hữu trong bộ sưu tập của mình. Vì thế, mặt nạ gỗ của người Cơ-tu ít tìm thấy được, chỉ còn lại rải rác một số ở thôn bản vùng cao thuộc huyện Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam). Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Nam đã sưu tầm, lưu giữ và trưng bày nhiều mặt nạ gỗ xưa cổ, giới thiệu nét độc đáo, lạ mắt nhất trong di sản văn hóa tộc người Cơ Tu.