Hiện đại hóa nền hành chính để kiến tạo, phục vụ nhân dân

Hiện đại hóa nền hành chính để kiến tạo, phục vụ nhân dân
Từng bước xây dựng nền chính quyền điện tử
Hiện nay, công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng rộng rãi, qua đó, làm thay đổi cơ bản nhiều nền tảng phát triển của đời sống xã hội. Để thích ứng, bắt kịp với sự thay đổi đó, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính bằng việc xây dựng và đưa vào sử dụng các phần mềm ứng dụng được xử lý qua mạng internet. 
Với chủ trương hiện đại hóa nền hành chính để kiến tạo, phục vụ nhân dân, tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn đổi mới nhằm tạo bước phát triển đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính công, từng bước nâng cao hiệu quả công việc, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) của tỉnh. Trong ảnh: Một góc thành phố Cà Mau ngày nay. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
Với chủ trương hiện đại hóa nền hành chính để kiến tạo, phục vụ nhân dân, tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn đổi mới nhằm tạo bước phát triển đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính công, từng bước nâng cao hiệu quả công việc, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) của tỉnh. Trong ảnh: Một góc thành phố Cà Mau ngày nay. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đề ra, ngày 11/8/2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định 1384/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2018; tiếp theo đó là Quyết định số 2152/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau phiên bản 1.0.
 
Từ cơ sở đó, nhằm đảm bảo cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được vận hành liên tục, ổn định, năm 2018, tỉnh đã triển khai đầu tư Trung tâm dữ liệu thứ 2 (DR Site); tiếp tục đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin cho các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã với tổng số gần 3.600 máy tính bàn (đạt  93%); đầu tư trang thiết bị hiện đại cho bộ phận một cửa của 9/9 huyện, thành phố; 100% cơ quan, đơn vị nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được đầu tư mạng LAN kết nối internet tốc độ cao. Một số đơn vị cấp huyện như: Thới Bình, U Minh, Năm Căn, Trần Văn Thời đã chủ động đầu tư, kết nối hội nghị truyền hình trực tuyến đến các đơn vị cấp xã.
 
Điều này đã tạo cơ sở để nhiều chương trình, phần mềm được triển khai áp dụng trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước như: Phần mềm Quản lý văn bản chỉ đạo và điều hành (VIC), phục vụ cho việc gửi, nhận văn bản liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); phần mềm một cửa điện tử để theo dõi, quản lý quá trình giải quyết thủ tục hành chính; ISO điện tử; chữ ký số…
 
Để mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử được hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết, đầu năm 2019, tỉnh đã triển khai ứng dụng Zalo trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, ứng dụng tập trung vào thực hiện các tính năng như: Nộp hồ sơ trực tuyến; tra cứu thông tin và kết quả giải quyết thủ hành chính; trao đổi, hỏi đáp, phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính; đánh giá mức độ hài lòng đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, các kênh giao tiếp với người dân được đa dạng hóa, vừa trực tiếp, vừa trực tuyến.

"Ngoài việc áp dụng cho chính quyền điện tử, tỉnh Cà Mau còn khai thác ứng dụng Zalo cho du lịch thông minh, tra cứu thông tin về môi trường, nông nghiệp, quản lý tàu cá đánh bắt ngoài khơi...”, ông Trần Quốc Chính chia sẻ.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của đơn vị, địa phương nhằm đảm bảo kiến trúc chính quyền điện tử; tăng cường thông tin tuyên truyền các tiện ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng, trong đó, có nộp hồ sơ trực tuyến qua Zalo.
 
Vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ngành chức năng có liên quan phải nhanh chóng khắc phục tồn tại, hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước; đồng thời, bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin. Phiên bản phần mềm tiện ích mới thường xuyên cập nhật, nâng cấp  để phù hợp với xu thế phát triển công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0.
 
 Tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai dự án cập nhật theo kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0 của Bộ Thông tin và Truyền thông; ưu tiên triển khai dịch vụ đăng nhập và xác thực tập trung cho các ứng dụng sẽ triển khai trong hệ thống chính quyền điện tử. Cùng với đó là triển khai và vận hành trục liên thông của tỉnh (LGSP) làm nền tảng cho việc liên thông tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng có nhu cầu chia sẻ, trao đổi dữ liệu của tỉnh.
 
Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo
Từ ứng dụng của Zalo, người dân dễ dàng truy cập mã hồ sơ để theo dõi tiến trình giải quyết cũng như trách nhiệm giải quyết của các cơ quan Nhà nước. Trong thời gian tới, thông qua tiện ích của Zalo, tỉnh Cà Mau sẽ giúp người dân truy cập hình ảnh hồ sơ và quá trình giải quyết các thủ tục hành chính tiện lợi hơn.

“Hiện nay, việc nộp hồ sơ trực tuyến ngoài văn bản điện tử, mẫu đơn tờ khai còn có thành phần hồ sơ, hầu hết, các văn bản đó đều phải scan, rất bất tiện cho người dân. Việc khai thác tiện ích Zalo sẽ khắc phục được những nhược điểm này”, ông Trần Quốc Chính phân tích.
 
Bên cạnh đó, việc thành lập và đưa Trung tâm Giải quyết thủ tục hành đi vào vào động từ đầu năm 2017, là quyết tâm chính trị lớn của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Trung tâm thực hiện tiếp nhận và trả kết quả cho 22 đơn vị cấp tỉnh với trên 1.700 thủ tục.
 
Ông Trần Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau thông tin: Trung tâm được thành lập làm đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đồng thời có nhiệm vụ niêm yết công khai thủ tục hành chính.

“Chỉ riêng trong năm 2018, trên 300 thủ tục hành chính đã được cắt giảm từ 20% đến 40% thời gian giải quyết. Nhiều thủ tục đơn giản được xem xét, giải quyết ngay. Hiện, tại Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau có tổ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ dịch vụ hành chính công do Phó giám đốc Trung tâm làm tổ trưởng. Hai cán bộ kỹ thuật của trung tâm này được phân công trực tiếp trả lời những thắc mắc của người dân từ ứng dụng Zalo. Những việc đơn giản, hai cán bộ này trả lời nhanh, còn phức tạp sẽ kết hợp với các chuyên viên của sở, ngành đang làm việc tại trung tâm”, Ông Trần Văn Hoà chia sẻ thêm
 
Bên cạnh đó, xuyên suốt trong quá trình hoạt động, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đón tiếp niềm nở, hướng dẫn chu đáo, tận tình, giải quyết công việc nhanh chóng, đúng pháp luật. Trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, Trung tâm chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện xử lý, thay thế những công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc có thái độ giao tiếp chưa phù hợp.

“Trung tâm đã tư vấn, hướng dẫn và thăm dò ý kiến gần 4.400 khách hàng; gửi gần 2.000 thư chúc mừng đến tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm; tạo gần 9.000 tài khoản giao dịch trực tuyến cho tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, bộ phận tư vấn, dịch vụ tại trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ trên 550 trường hợp về lập dự án đầu tư, thành lập doanh nghiệp… Số hồ sơ trả kết quả trước hạn và đúng hạn đạt trên 99%;  mức độ hài lòng đạt trên 98%. Từ đó, tạo dấu ấn tốt đẹp cho khách hàng trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng phục vụ của trung tâm”, ông Trần Văn Hòa phấn khởi chia sẻ.
 
Để góp phần đạt được mục tiêu xây dựng một nền hành chính kiến tạo, phục vụ nhân dân, cuối tháng 3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Trung tâm là đầu mối liên kết và phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương nhằm nâng cao hiệu quả tham mưu cho UBND tỉnh trong các hoạt động tổ chức, tư vấn thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, khởi nghiệp tại địa phương.

“Trung tâm ra đời sẽ giải quyết nhiều vấn đề lớn mà tỉnh Cà Mau hiện đang vướng mắc và địa phương phải quyết tâm cải thiện trong thời gian tới. Đặc biệt là các vấn đề về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành trong việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ trong từng dự án cụ thể hiện còn rất bất cập. Đồng thời, góp phần chuyển từ xin - cho sang nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách triệt để, hiệu quả”,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi nhấn mạnh.
 
Sau 3 năm thực hiện đề án Chính quyền điện tử, địa phương đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra như hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai các thành phần nền tảng và các ứng dụng của chính quyền điện tử đến các ngành, các cấp tại địa phương.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đánh giá, Đề án này tạo môi trường hiện đại, chuyên nghiệp, liên thông, tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả công việc, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của các cơ quan. Đây cũng là bước đệm để địa phương hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, trong đó có thu hút đầu tư, nhằm khơi dậy và thúc đẩy các tiềm năng hiện có tại Cà Mau./.
                Huỳnh Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm