Ông Đỗ Văn Xinh, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) đã cải tạo 4.000 m2 vườn tạp để trồng bưởi da xanh chuyên canh, sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 6 tấn quả. Với giá bán bình quân 40.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, ông Xinh còn lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ chuyển đổi sản xuất sang trồng cây ăn quả đặc sản, gia đình ông Đỗ Văn Xinh đã có cuộc sống ổn định.Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Theo Bí thư Đảng ủy xã nông thôn mới Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho) Lê Ngọc Hóa, bưởi da xanh VietGAP Tân Mỹ Chánh được chọn đưa vào chương trình phát triển Mỗi xã Một sản phẩm với tên gọi Bưởi da xanh Mỹ Tho. Bưởi da xanh địa phương được khuyến khích phát triển theo hướng chuẩn hóa sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa chất lượng đặc sản địa phương, giúp Tân Mỹ Chánh hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2019 - 2020. Hiện nay, Tân Mỹ Chánh đã thành lập được Tổ hợp tác bưởi da xanh VietGAP và liên kết với cơ sở Hương Miền Tây (Bến Tre) hợp đồng tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho trái bưởi da xanh với sản lượng mỗi năm khoảng 250 tấn quả. Đây là yếu tố thuận lợi cho địa phương trong việc cụ thể hóa chương trình Mỗi xã Một sản phẩm trên địa bàn trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Do vậy, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngành, các cơ quan, đơn vị cần ưu tiên đưa nội dung Chương trình OCOP bổ sung vào các chương trình công tác trọng tâm giai đoạn 2019 – 2020 để chủ động thực hiện đạt kết quả cao. Ngay trong năm 2019, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Quyết định số 490/QĐ-TTg. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vừa nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Trước mắt, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để xây dựng một số sản phẩm Tiền Giang có lợi thế, đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh; trong đó, tiêu chuẩn hóa ít nhất 10 sản phẩm chủ lực hiện có trên địa bàn các xã để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP; phát triển ít nhất 2 làng văn hóa du lịch đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Tiền Giang khuyến khích tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch hiện có tham gia Chương trình OCOP Tiền Giang. Ngoài ra, quan tâm đào tạo, tập huấn kiến thức cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước thực hiện Chương trình OCOP Tiền Giang và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia về chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, Chương trình OCOP Tiền Giang được triển khai tại địa bàn khu vực nông thôn. Tỉnh khuyến khích các huyện, thành, thị xã tùy vào điều kiện và tình hình thực tế có các bước triển khai phù hợp, hiệu quả dựa trên hai nguyên tắc: Nhà nước hướng dẫn, các cơ sở sản xuất đề xuất trực tiếp theo nhu cầu và khả năng. Do vậy, nguồn kinh phí thực hiện chủ yếu huy động nguồn lực cộng đồng gồm: tài chính, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, ý tưởng, công nghệ …của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trong quá trình hình thành sản phẩm trong khuôn khổ Chương trình OCOP Tiền Giang dưới các dạng như: góp vốn, vốn vay từ tổ chức tín dụng… phù hợp quy định pháp luật. Đối với ngân sách Nhà nước chủ yếu lấy từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 – 2020 và các nguồn vốn lồng ghép khác thuộc Chương trình khoa học và công nghệ, Chương trình khuyến công, Chương trình khuyến nông…do Trung ương và địa phương hỗ trợ thực hiện...
Minh Trí