Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, trong đó, chú trọng vào chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân.
Là huyện miền núi nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Lương hiện còn 726 hộ nghèo, 790 hộ cận nghèo, trong đó nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, không thể tự lo kinh phí để xây mới hoặc sửa chữa có nhu cầu được hỗ trợ.
Trước thực tế đó, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hỗ trợ xây dựng nhà ở, góp phần tạo niềm tin, động lực cho hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Từ năm 2021 đến nay, huyện Phú Lương đã hỗ trợ được 298 nhà với kinh phí hỗ trợ 15,4 tỷ, trong đó năm 2023 hỗ trợ 124 nhà, với kinh phí trên 7 tỷ đồng.
Đến thăm gia đình anh Phùng Văn Thường, dân tộc tày, là hộ nghèo của xóm Làng Mới, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, gia đình anh Thường có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập bấp bênh, chủ yếu là làm nông, chăn nuôi nhỏ lẻ. Gia đình anh sống trong căn nhà lá được dựng bằng thanh tre, nứa đã lâu năm, những ngày mưa gió, nhà bị dột, cả nhà lại thấp thỏm lo âu.
Được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương và các nhà hảo tâm, gia đình anh Thường được hỗ trợ 50 triệu đồng, với số tiền này, hai vợ chồng anh Thường tiếp tục vay vốn từ ngân hàng chính sách của huyện để có thể xây dựng một căn nhà mới an toàn hơn, khang trang hơn.
Cuối tháng 2 năm 2024, anh Thường bắt tay vào khởi công xây dựng căn nhà mới, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình anh còn nhận được sự giúp đỡ của bà con xóm làng, nhờ đó gần 4 tháng nay, căn nhà từng bước đã được hình thành. Anh Thường vô cùng phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi mừng lắm, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều nguồn không biết khi nào chúng tôi mới có được căn nhà mới. Qua đây, tôi chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đã quan tâm, hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo và đặc biệt là đồng bào người dân tộc thiểu số như chúng tôi.
Tương tự như gia đình anh Phùng Văn Thường, chị Lý Thị Hiền, người dân tộc Dao, ở xóm Ngọc Mỹ xã Liên Minh, huyện Võ Nhai cũng thuộc hộ nghèo và được lựa chọn vay vốn từ ngân hàng chính sách để xây nhà mới.
Ngôi nhà của chị Hiền được khởi công xây dựng từ tháng 6 năm 2023, đến nay một căn nhà khang trang, kiên cố đã hoàn thành. Đứng trong ngôi nhà mà bấy lâu chị mơ ước giờ đã thành hiện thực, chị xúc động chia sẻ: Gia đình tôi có 5 người thuộc hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân tôi không có sức khoẻ, thu nhập bấp bênh, nhiều năm nay, cả nhà sống trong căn nhà gỗ lụp xụp, diện tích chật hẹp, không đảm bảo an toàn mỗi khi mùa mưa bão về những lúc mưa to gió lớn nhà thường xuyên bị dột.
Gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng và cho vay 40 triệu đồng để xây nhà mới. Căn nhà được xây trên diện tích khoảng 110m2, với 4 phòng, được lát gạch và lợp ngói kiên cố. Chị Hiền cho biết: Với bà con DTTS ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn việc được hỗ trợ về nhà ở sẽ góp phần giúp chúng ổn định chỗ ở, an tâm phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Anh Phạm Văn Tiệp, trưởng xóm Ngọc Mỹ xã Liên Minh, huyện Võ Nhai cho biết: xóm Ngọc Mỹ là nơi sinh sống của 85 hộ dân, với 100% là đồng bào người dân tộc Dao. Trước đây cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Những năm trở lại đây, bằng việc vận dụng nguồn vốn từ các Chương trình, Dự án của Chính phủ, của tỉnh Thái Nguyên, người dân xóm Ngọc Mỹ đã hỗ trợ để xây mới lại nhà ở kiên cố, khang trang hơn, phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của người dân, có nhà kiên cố để ở, bà con yên tâm lao động sản xuất, đời sống ngày một khởi sắc.
Bà Vũ Thị Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh chia sẻ: Với bà con dân bản, những ngôi nhà mới là hiện thực hoá giấc mơ của mỗi người. Việc xây dựng nhà ở được chính quyền xã thống nhất về cách thức hỗ trợ, đảm bảo theo nguyện vọng phù hợp với phong tục tập quán và thuận lợi trong sinh hoạt cho bà con. Để người dân sớm được ở trong nhung ngôi nhà mới, lãnh đạo xã đã đẩy nhanh việc hỗ trợ đúng đối tượng, bên cạnh đó xã cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên gia đình.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các Chương trình, Đề án của Trung ương, của tỉnh, của huyện và từ các nguồn lực xã hội hóa để ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tích cực khuyến khích, hướng dẫn bà con sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy nội lực để tự vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, từng bước để đồng bào dân tộc sớm phát triển.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Võ Nhai triển khai với 10 dự án; tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2021-2025: 291.669 triệu đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương 253.963 triệu đồng, Ngân sách địa phương: 37.706 triệu đồng). Triển khai dự án 1, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt toàn huyện đã hỗ trợ 23 hộ xây mới, cải tạo nhà ở.
Như vậy, có thể thấy các chương trình Mục tiêu quốc gia được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các chính sách, dự án hỗ trợ là một chủ trương ý nghĩa, thiết thực mà chính quyền các cấp đã và đang thực hiện hiệu quả, qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương với bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoàng Thảo Nguyên