Thái Nguyên phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện Dự án 5 - Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025), đến nay, tại tỉnh Thái Nguyên đã có 12/14 công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, 2 công trình đang tổ chức thi công. Qua đó, góp phần hoàn thiện tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

vna_potal_thai_nguyen_hon_200_ty_dong_xay_dung_mo_rong_quy_mo_cac_truong_pho_thong_dan_toc_noi_tru_094231564_5241735.jpg
Khu nội trú của Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Phú Lương. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Thực hiện việc xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 100% đơn vị cấp huyện và xã đã thành lập Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng kế hoạch triển khai; tổ chức 23 lớp xóa mù chữ cho hơn 370 người tại các huyện: Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ người mù chữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện các tiểu dự án đảm bảo đúng đối tượng, đúng các nội dung tập huấn, bồi dưỡng theo khung chương trình đào tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu đào tạo của địa phương. Ba năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 19 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc với hơn 1.200 người tham gia. Để thực hiện tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ kinh phí thực hiện cho các địa phương và đơn vị thụ hưởng với tổng số tiền trên 91 tỷ đồng. Một số địa phương đã thực hiện phân bổ kinh phí để cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở đào tạo nghề và thực hiện mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

vna_potal_thai_nguyen_hon_200_ty_dong_xay_dung_mo_rong_quy_mo_cac_truong_pho_thong_dan_toc_noi_tru_094228627_5241736.jpg
Khu nội trú của Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Phú Lương. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Qua giám sát mới đây của Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy, quá trình triển khai một số tiểu dự án còn gặp khó khăn dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp chưa đảm bảo kế hoạch đề ra; nhất là nội dung hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Tiểu dự án 3. Thậm chí, nội dung cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở đào tạo nghề và thực hiện mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn dừng không thực hiện từ năm 2023. Việc xác định cơ sở đào tạo nghề đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục chưa thống nhất về khái niệm gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện Tiểu dự án 3.

Ngoài ra, danh mục về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh chưa đầy đủ đã ảnh hưởng đến việc lập dự toán và mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động của một số cơ sở giáo dục...

vna_potal_thai_nguyen_hon_200_ty_dong_xay_dung_mo_rong_quy_mo_cac_truong_pho_thong_dan_toc_noi_tru_094222533_5241727.jpg
Khu nhà ở nội trú của Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Đồng Hỷ. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Trước thực tế này, Hội đồng nhân dân tỉnh kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, thống nhất xác định các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc đối tượng thực hiện Tiểu dự án 3 (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) sớm ban hành văn bản hướng dẫn phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy trình và thủ tục hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cho phép điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn, vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 giữa các dự án thuộc chương trình khi không còn đối tượng thụ hưởng.

Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, xem xét nâng mức chi hỗ trợ để khuyến khích và thu hút người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xóa mù chữ trên địa bàn; sớm bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Trung học cơ sở Định Hóa giai đoạn 2 để đảm bảo sự đồng bộ giữa cơ sở vật chất và trang thiết bị chuyên dùng nhằm phát huy hiệu quả và các điều kiện cần thiết để vận hành công trình sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí nguồn vốn để thanh quyết toán dự án, công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đầu tư công...

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm