Người dân ở xã Thượng Long, huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) sử dụng nguồn nước khe suối cho sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Tại Nhà máy thủy điện Hương Điền, mực nước trong lòng hồ thời điểm hiện tại là +46,1m, trên mực nước chết +0,1m. Tại khu vực lòng hồ, mực nước có nơi thấp hơn so với thời điểm năm trước từ 1-1,5m. Hiện tại, nhà máy chỉ vận hành 1 tổ máy (khoảng 3-4 giờ/ngày) với lưu lượng về hạ du bình quân khoảng 10m3/s trong ngày. Nguyên nhân một phần do thời tiết hạn nặng, không có mưa trong thời gian dài; mặt khác trên thượng nguồn sông Bồ, các công trình thủy điện Rào Trăng 3, A Lin B2 sau quá trình xây dựng đang tích nước đã khiến mực nước trong lòng hồ thủy điện Hương Điền khô kiệt, xấp xỉ mực nước chết. Nhà máy chỉ vận hành cầm chừng 1 tổ máy để duy trì dòng chảy về hạ du lấy nước tưới cho cây trồng. Dự tính, từ nay đến hết tháng 8/2019 không có mưa để bổ sung nguồn nước trong hồ, nhà máy sẽ ngưng phát điện do lòng hồ khô kiệt nước. Tương tự, tại Nhà máy thủy điện Bình Điền, mực nước trong lòng hồ chỉ còn +56,2m, cách mực nước chết chừng +3m. Thủy điện Bình Điền hiện duy trì chạy một tổ máy khoảng 10 giờ/ngày với lưu lượng khoảng 32m3/s. Theo ông Nguyễn Quang Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Bình Điền, tình trạng khô hạn hiện nay đạt kỷ lục trong nhiều năm qua. Đến thời điểm hiện tại, doanh thu và sản lượng điện của Nhà máy thủy điện Bình Điền chưa đạt 50% kế hoạch của năm 2019. Trong khi đó, nước tại các hồ chứa thủy lợi Hòa Mỹ (xã Phong Mỹ - huyện Phong Điền), phục vụ tưới tiêu hơn 300 ha lúa của các xã Phong Mỹ, Phong Xuân cũng đang rơi vào tình trạng trơ đáy. Hồ khe Lời (xã Thủy Phù - thị xã Hương Thủy) xấp xỉ mực nước chết. Thậm chí, dưới lòng hồ, bò có thể ung dung xuống gặm cỏ, ảnh hưởng đến diện tích hơn 630ha lúa và hoa màu của xã. Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền cho biết, ngoài các giải pháp chống hạn, cứu lúa, Hội đã lập nhiều kế hoạch để giúp đỡ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vay vốn, thực hiện các mô hình sinh kế phát triển kinh tế hộ gia đình. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn đang ở mực nước chết, nhiều diện tích lúa thiếu nước tưới. Hiện có khoảng 1.900 ha diện tích có nguy cơ hạn; trong đó diện tích thiếu nước trầm trọng là 867 ha lúa, hoa màu có khả năng mất trắng, tập trung ở huyện Phong Điền và A Lưới.
Người dân ở xã Thượng Long, huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên- Huế) sử dụng nguồn nước dưới khe suối cho sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, tình hình khô hạn kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến nguồn nước trên các sông, hói bởi đều thấp hơn trung bình như: hói Nịu, hói Bến Trâu (xã Quảng Thái); tuyến hói nội đồng, hói liên thôn. Địa phương đã quyết liệt chỉ đạo khâu thủy lợi phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất. Đối với những vùng không chủ động nguồn nước, các địa phương có thể chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ hoang để tránh gây thiệt hại cho người dân; trong đó, có 127,8 ha trồng diện tích bị hạn đã chuyển sang trồng rau màu, khoai lang và cây trồng khác. Tại hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nắng hạn nhiều tháng liền khiến gần như toàn bộ hệ thống cấp nước sinh hoạt tự chảy và giếng khơi ở một số xã vùng núi cao khô cạn. Hàng ngàn người dân ở hai địa phương này đang bị đảo lộn cuộc sống. Họ phải dùng chung nguồn nước ít ỏi còn lại tại các khe suối không đảm bảo vệ sinh với đàn gia súc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo Trung ương hỗ trợ cho địa phương số tiền 76,3 tỷ đồng để bù đắp kinh phí tiền điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sạch để đảm bảo nguồn nước trước cơn hạn lịch sử này...
Quốc Việt