Nhiều ruộng đồng bị bỏ không tại xã Quất Lưu (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh Nguyễn Trọng Lịch - TTXVN |
Học tuyến Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên dài khoảng 10 km và các tuyến Tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dễ dàng nhận thấy nhiều đồng ruộng để hoang, trắng màu rơm rạ. Nông dân cho biết, ở thời điểm tháng 10, tháng 11 dương lịch hàng năm là mùa gieo trồng, chăm sóc các loại cây trồng vụ Đông của Vĩnh Phúc, cũng như nhiều tỉnh thành, phía Bắc. Ở thời điểm này của các năm trước, hiện hữu trên những cánh đồng của tỉnh là màu xanh của ngô, khoai tây, khoai lang, đậu, các loại rau xanh... nhưng năm nay ở Vĩnh Phúc thì không có cảnh đồng ruộng bát ngát màu xanh cây trồng như trước, đồng đất bỏ hoang rất lớn. Việc nông dân không còn mặn mà với sản xuất vụ Đông sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng rau xanh cho địa bàn tỉnh và thị trường Hà Nội. Ngoài ra, còn ảnh hưởng tới việc chăn nuôi gia súc, nhất là đàn đại gia súc trong mùa đông giá lạnh kéo dài, cây cỏ tàn rụi.
Nhiều ruộng đồng bị bỏ không tại xã Đồng Cương (Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Ảnh Nguyễn Trọng Lịch – TTXVN |
Lý giải về việc nguyên nhân nông dân bỏ ruộng, hầu hết người dân tại Vĩnh Phúc cho rằng, sản xuất cây trồng vụ Đông không có lãi, tiền công lao động nông nghiệp không cao so với làm các công việc khác. Trong khi đó, nhiều gia đình ở nông thôn đổ dồn đi làm việc khác như đi làm công nhân, phụ hồ, thợ cơ khí, xây dựng, bảo vệ... nên không có nhiều lao động làm ruộng như những năm trước đây và đất đai canh tác vụ Đông đã bỏ hoang ngày càng lớn.
Một số gia đình còn mặn mà, gắn bó với đồng ruộng nhưng khi trồng trọt, canh tác nhỏ lẻ trong khoảng đồng rộng lớn bỏ hoang thì ruộng trồng cây vụ Đông của họ lại là tâm điểm, nơi tụ tập của các loại sâu bệnh, chuột bọ và không đem lại hiệu quả cao khi thu hoạch. Vì vậy, nhiều hộ rút ra kinh nghiệm, không nên trồng nhỏ lẻ mất nhiều công chăm sóc, bảo vệ và những năm sau này không ít gia đình cũng chấp nhận để ruộng hoang. Gia đình bà Nguyễn Thị Ứng ở thôn Hưng Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương cho hay, bán kính cách làng quê từ 5 - 10 km nhiều doanh nghiệp cần lao động, các con, các cháu bà vào hết doanh nghiệp, lương tháng từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng... Theo tính toán của bà Ứng, thu nhập hàng tháng của một lao động phổ thông trong doanh nghiệp có thể bằng một gia đình thuần nông làm cả năm, do đó người dân không còn mặn mà với đồng ruộng như những năm trước đây.
Nhiều ruộng đồng bị bỏ không tại xã Hợp Thịnh, xã Vân Hội (Tam Dương, Vĩnh Phúc). Ảnh Nguyễn Trọng Lịch – TTXVN |
Để khuyến khích và thúc đẩy sản xuất vụ Đông, những năm gần đây Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ giống cây trồng, gom ruộng sản xuất vụ Đông, miễn giảm thủy lợi phí... Riêng năm 2017, Vĩnh Phúc có kế hoạch chi 13 tỷ đồng cho 9/9 huyện, thị, thành triển khai trồng 5.675 ha ngô thường, 1.495 ha đậu tương, 1.850 ha khoai lang... Mức hỗ trợ trực tiếp cho nông dân là 1,4 triệu đồng/ha. Tỉnh cũng yêu cầu các ngành và địa phương thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời để người dân nắm được cơ chế chính sách của tỉnh cũng như các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng của các cây trồng. Đồng thời, triển khai hỗ trợ đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức và theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định; đảm bảo công khai, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay nhiều nông dân vẫn cho rằng các loại cây trồng vụ Đông phụ thuộc vào nhiều yếu tố thời tiết, tốn nhiều ngày công lao động mà thu nhập lại thấp hơn rất nhiều so với các việc làm khác. Việc tích tụ ruộng đất ruộng đất được coi là một khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hiệu quả nhưng đang vấp phải không ít khó khăn. Đó là nông dân Vĩnh Phúc chưa hẳn hoàn toàn bỏ ruộng, họ chỉ bỏ hoang ruộng đất vụ Đông. Các vụ lúa Mùa, lúa Xuân nông dân vẫn coi là các vụ sản xuất chính, đảm bảo an ninh lương thực, tốn ít công lao động... vì thế chưa muốn cho thuê đất lâu dài cũng như chưa muốn nhượng lại.
Nguyễn Trọng Lịch