Những con đường dẫn về các phum sóc huyện Châu Thành đã được đầu tư xây dựng. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Huyện tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc, mang lại những kết quả thiết thực. Từ năm 2014 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm theo Quyết định 167 và 29 của Thủ tướng Chính phủ, 42 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được cất nhà mới với kinh phí gần 1 tỷ đồng; 63 hộ được hỗ trợ mua đất ở, kinh phí 2,8 tỷ đồng; 19 hộ được vay vốn chuyển đổi ngành nghề với số tiền gần 360 triệu đồng.
Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn, Châu Thành đầu tư xây dựng mới và nâng cấp công suất, mở rộng 3 công trình cấp nước tập trung ở khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với kinh phí gần 24 tỷ đồng, cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho hơn 2.500 hộ. Huyện có 1.360 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở 10 xã, thị trấn trong huyện được cấp dụng cụ chứa nước sinh hoạt phân tán, với kinh phí gần 1,8 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, ngoài việc chăm lo cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer, huyện còn tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, các mô hình sản xuất, hướng dẫn các phương pháp canh tác cải tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, góp phần làm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh.
Những con đường dẫn về các phum sóc huyện Châu Thành đã được đầu tư xây dựng. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Kinh tế phát triển, có thêm việc làm, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc được cải thiện. Địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều nhân tố, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, kinh doanh, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2014 - 2018, huyện có 3.194 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Các mô hình làm ăn hiệu quả, như mô hình cánh đồng lớn ấp Tân Hưng, xã Giục Tượng; thương hiệu dứa Tắc Cậu, xã Bình An; bà con Khmer các xã Thạnh Lộc, Giục Tượng, Vĩnh Hòa Hiệp với mô hình chăn nuôi, trồng rau xanh…
Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Châu Thành luôn được phát huy. Các chùa Khmer được trùng tu, sửa chữa, xây dựng ngày càng khang trang sạch đẹp. Hiện có 5 nhà hỏa táng ở các chùa Khmer được hỗ trợ xây dựng, kinh phí trên 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đang đầu tư xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Khmer tại ấp Sua Đũa, xã Vĩnh Hòa Hiệp với kinh phí trên 7 tỷ đồng.
Công tác giáo dục, đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành của huyện quan tâm. Ngoài tiếng Việt, việc dạy và học chữ Khmer được quan tâm tổ chức ở các trường Tiểu học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Huyện Châu Thành hiện có 7 trường dạy chữ Khmer, với 45 lớp và gần 1.100 học sinh theo học. Cùng với dạy chữ Khmer ngữ trong trường phổ thông, các xã, thị trấn và ngành chức năng còn tạo điều kiện hỗ trợ cho Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện tổ chức các lớp dạy chữ Khmer vào các dịp hè ở các điểm chùa, xóm, ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, hàng năm có trên 1.300 học sinh, sư sãi theo học.
Theo ông Tô Hà Giang, từ nguồn vốn các chương trình, dự án, trong 5 năm qua, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như cầu, đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, hạ thế điện, trường học, y tế… với tổng nguồn vốn đầu tư trên 446 tỷ đồng. Qua đó, diện mạo vùng nông thôn, vùng đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống không ngừng đổi mới, đời sống kinh tế và mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào được nâng lên rõ rệt...
Người dân trong huyện Châu Thành tận dụng đất trống quanh nhà trồng màu để có thêm thu nhập. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Hiện Châu Thành có 80% tuyến đường liên xã, liên ấp vùng dân tộc Khmer đã được bê tông hóa, trên 99% hộ đồng bào dân tộc Khmer được sử dụng điện lưới quốc gia. Đến đầu tháng 7/2019, số hộ nghèo dân tộc Khmer trên địa bàn huyện còn 651 hộ, chiếm 1,8% so tổng số dân trong toàn huyện và giảm hơn 1.000 hộ so với năm 2015.
Lê Sen